Con người sống trong hoàn cảnh thường xuyên bị khủng bố, trấn áp, thì sẽ sinh ra tâm sợ hãi. Chính nỗi sợ này khiến người ta không dám đối diện với thực tế, không dám lên tiếng trước hành vi ác, thu mình vào một vỏ bọc an toàn.
Người phụ nữ Trung Quốc bị đánh
Có một lần tại Flushing – New York, sau khi ăn tối cùng vợ chồng một người bạn, tôi bắt xe buýt trở về nhà, khi ngồi trên xe tôi đã gặp một chuyện, mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.
Trên xe có một người phụ nữ da đen đánh một người phụ nữ khác, ở vị trí rất gần tôi, tôi đã đến can ngăn. Bác tài xế (cũng là người da đen) lập tức dừng xe lại, rồi gọi điện báo cảnh sát.
Sau đó tôi phát hiện người phụ nữ bị đánh cũng là người Trung Quốc như tôi. Khi dừng lại, cô ấy muốn xuống xe bỏ đi, cô ấy nói với tôi là cô không nói được tiếng Anh. Tôi nói tôi có thể nói được tiếng Anh, tôi sẽ phiên dịch cho cô ấy. Cô ấy lại nói, sẽ không ai làm chứng cho cô, tôi an ủi và nói sẽ làm chứng cho cô. Người phụ nữ da đen đánh cô vẫn đứng ở đó.
Sau một lúc, cô gọi điện cho ai đó, lại muốn rời khỏi xe buýt. Tôi nói cô ta đừng sợ, tôi sẽ giúp cô, hành vi đánh người nơi công cộng như thế này là không thể chấp nhận được, nên nhiều người khác sẽ giúp cô nữa, vì thế cô ấy đã ở lại.
Nhưng sau đó, cô ấy bỗng nhiên rất kiên quyết nói, cô ấy phải đi. Tài xế nói: “Tôi đã dừng xe gọi cảnh sát giúp cô, cô nên ở lại”. Nhưng cô ấy vẫn nhất quyết bỏ đi.
Sau khi người phụ nữ Trung Quốc bị đánh bỏ đi không lâu, nhân viên cảnh sát đã đến. Bởi vì người bị đánh đã bỏ đi, nên họ chỉ hỏi han người phụ nữ da đen đã đánh người kia vài câu, rồi rời đi.
Có một số điều kỳ quặc là, người phụ nữ Trung Quốc bị đánh đã sợ hãi bỏ đi, trong khi người đánh cô ấy lại không chút sợ hãi, vẫn ở đó. Nhiều người muốn giúp đỡ người phụ nữ Trung Quốc, cô ấy bị đánh, muốn đòi lại công bằng cho cô ấy, nhưng cô ấy lại từ chối. Có thể là do cô ấy sợ, cũng không tin người khác có thể giúp mình.
“Người đứng xem” trong tác phẩm Town Beyond the Wall
Tôi lại nhớ đến Elie Wiesel, người đã viết tiểu thuyết “The Town Beyond the Wall”, trong tiểu thuyết có nhân vật “Người đứng xem”.
Một ngày xuân ấm áp, bên ngoài đường Đức Quốc xã đang trấn áp những người được coi là “phản cách mạng”. Ông ấy tĩnh lặng đứng bên cửa sổ, như một pho tượng không động đậy. Bên ngoài cửa sổ, một gia đình người Do Thái đang bị đưa đến trại tập trung.
Cô con gái nhỏ của họ đến trước cửa sổ nhà nói với ông ta: “Cháu khát nước”. Nhưng ông ta lại không chút động lòng. Mái tóc của cô bé xinh xắn tỏa ra ánh sáng nhu hòa, cô bé mới có 8 tuổi. “Cháu khát nước”, cô bé lại nói với giọng nói yếu ớt, và vẫn chỗ cửa sổ nhà ông ấy, nhưng ông ấy vẫn đứng đó một bước cũng không động. Không lâu sau, cô bé đã qua đời.
Nhiều năm sau đó, anh trai của cô bé đã tìm đến nhà của ông này, hỏi ông ta cảm thấy thế nào về hành vi của mình, xấu hổ, hối hận hay bi ai? Tất cả đều không phải, ông ấy nói, ông ấy chỉ như là người đứng ngoài xem một trò chơi.
Anh trai của cô bé hét lớn mắng ông ta: “Ông là người nhu nhược! Ông không có dũng khí để làm việc thiện, cũng không có gan làm việc ác… Ông cho rằng ông sống trong hòa bình và an toàn, trên thực tế ông không phải là đang sống…”.
“Ông sợ hãi, ông nguyện để lương tâm bị ăn mòn!”, anh trai của cô bé nói với ông ta.
Từ người bị hại đến người gây thương tích
Rất nhiều người đã lựa chọn trốn tránh, thờ ơ, nguyên nhân thực sự ở đằng sau là “sợ hãi”. Hai câu chuyện này, một người bị hại, một người thờ ơ, theo tôi thấy, họ đều giống nhau, sợ hãi đã trở thành thói quen trong cuộc sống của họ.
Tôi biết, cái “sợ” của bọn họ không phải có từ khi sinh ra. Hai người họ, một người đến từ chế độ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thống trị, một người bản thân sống trong sự khủng bố của Hitler.
Tôi biết, họ đều có vài sự trải nghiệm và có những lý do của riêng mình, sống trong hoàn cảnh khủng bố cực đoan, bọn họ mới trở nên như vậy. Bọn họ đã thỏa hiệp với cái ác, để tạm thời nhận được sự an toàn và lợi ích. Nhưng thực tế, chính họ và lương tâm của họ đã trở thành tế phẩm cho cái ác.
Lê Hiếu biên dịch