Một chiếc bốt điện thoại ở Otsuchi, Nhật Bản đã trở thành một điểm đến linh thiêng dành cho bất cứ ai đã và đang chịu nỗi đau mất mát.
Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản hôm 11/3/2011 khiến 16.000 người thiệt mạng và 2.500 người mất tích. Trong đó, thị trấn Otsuchi mất 10% dân số, tương đương 400 người.
Kể từ sau thảm họa, ở vùng ngoại ô Otsuchi bỗng xuất hiện một chiếc bốt điện thoại công cộng nhỏ, nằm trơ trọi giữa cánh đồng trống. Chúng không được dùng để người sống liên lạc với nhau, mà để người sống gọi điện cho người đã khuất.
Đó là một bốt điện thoại được sơn màu trắng, cửa kính luôn được lau chùi sạch sẽ mỗi ngày, bên trong là một chiếc điện thoại quay số nhưng không được kết nối. Chiếc điện thoại này cứ nằm trên bàn, im lìm, không một cuộc gọi đến. Bởi lẽ, nó được sinh ra để gửi gắm nỗi lòng của người ở lại đến một thế giới mà người thân của họ đã mãi ở đó không quay về nữa…
Được biết, ông Itaru Sasaki – một người con của Otsuchi – đã đặt điện thoại trong vườn nhà mình khoảng một năm trước, như một cách tưởng nhớ sự ra đi của người anh họ ông.
“Có thể các gia đình nạn nhân vẫn còn những lời cuối chưa kịp nói với người thân yêu”, ông Sasaki giải thích cho hành động khuyến khích người dân địa phương sử dụng bốt điện thoại để “trò chuyện” với người đã mất.
Bốt điện thoại này được ông Sasaki lắp đặt bên trong ngôi vườn nằm trên đỉnh núi Kujira hướng ra Thái Bình Dương một năm trước khi xảy ra thảm họa. Ông nảy ra sáng kiến này để giúp bản thân vượt qua nỗi đau về cái chết của người anh em họ vì căn bệnh ung thư. “Một chiếc điện thoại thông thường không thể chuyển tải được nỗi lòng của tôi nên tôi muốn nhờ gió gửi chúng đi”, ông Sasaki cho biết.
Với ông Sasaki, bốt điện thoại không liên quan đến bất kì tôn giáo nào. Đó là một ngôi đền, một nơi linh thiêng mà bất kì ai muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình đến cho người đã khuất đều được rộng cửa chào đón.
Sau thảm họa, số người cần đến chiếc bốt điện thoại một chiều này ngày càng tăng cao, bởi nỗi đau của sự mất mát không bao giờ vơi bớt nếu không tìm được cách giải tỏa. Một số người đã giúp ông Sasaki dọn sạch một ngôi nhà kính bị bỏ hoang từ lâu để biến nó thành một bốt điện thoại công cộng.
Và thế là, bốt điện thoại công cộng “một chiều” đã xuất hiện, tạo cơ hội để mọi người giải tỏa nỗi đau trong một không gian hết sức riêng tư. Trong không gian chật hẹp và vuông vức ấy, nỗi buồn của họ như được cô đọng, mỗi người như được sống trong một thế giới riêng, nơi họ không còn phải tỏ ra mạnh mẽ nữa, mà có thể sống thật nhất với nỗi đau đang canh cánh trong lòng. Bằng cách đó, họ mới thực sự đối mặt và chiến đấu với bi kịch, từ đó mới dần vượt qua được chúng.
“Cho những ai từng mất đi người thân, bốt điện thoại của gió trở thành niềm an ủi lớn lao. Dù khó khăn, nhưng hy vọng khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn”, Itaru nói.
“Tôi để một quyển sổ trên bàn để khách viết ra suy nghĩ hoặc tin nhắn muốn gửi đến người quá cố, và rồi họ trò chuyện như thể người ở đầu dây bên kia vẫn còn đang sống”.
Ngày nay, thị trấn Otsuchi vẫn còn đang trong quá trình tái xây dựng dẫu cho 6 năm đã trôi qua. Và trong khi đó, chiếc buồng điện thoại gió của ông Sasaki vẫn đứng đó, có lẽ mãi về sau, như một lời nhắc nhở về những tổn thất và trải nghiệm đau đớn nhất trong lịch sử Nhật Bản không thể bôi xóa và sẽ không bao giờ bị lãng quên.
TinhHoa tổng hợp