Tinh Hoa

Chuyện sếp và nhân viên

Bạn có bao giờ thắc mắc các sếp làm gì mỗi ngày trong khi mình “hùng hục” làm việc và không bao giờ thấy mặt sếp? Một cuộc khảo sát hơn 1.000 CEO tại 6 quốc gia để tìm hiểu xem các sếp làm gì cả ngày và ảnh hưởng của thói quen làm việc đó lên sự thành bại của công ty…

Một nhóm các giáo sư tại đại học Harvard, Oxford, Columbia, Trường Kinh Tế London đã thực hiện một cuộc khảo sát hơn 1.000 CEO tại 6 quốc gia để tìm hiểu xem các sếp làm gì cả ngày và ảnh hưởng của thói quen làm việc đó lên sự thành bại của công ty.

Dựa trên những số liệu thu thập được, đây là cách các CEO phân bổ thời gian trung bình trong một ngày của mình.

– 26% thời gian ngồi 1 mình, lên kế hoạch, gửi email và làm các việc “solo” khác

– 10% dành cho các việc riêng tư

– 8% dành cho việc đi lại, du lịch

– 56% dành cho việc họp và gặp gỡ

Theo dữ liệu thì các phòng ban hay được gặp sếp nhiều nhất là bộ phận sản xuất (35% thời gian sếp dành để gặp gỡ người khác), marketing (22%) và tài chính (17%). Những cuộc gặp phổ biến nhất với các bộ phận bên ngoài là các khách hàng (10%) và các nhà cung cấp (7%).

Hai kiểu sếp: “Lãnh đạo” và “Quản lý”

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng thuật toán để tự động chia các hành vi của CEO thành 2 loại dựa vào các dữ liệu đầu vào. Kết quả nhận được khá giống với sự phân biệt nổi tiếng từ trước đến nay giữa hai kiểu sếp: quản lý và lãnh đạo.

Kiểu hành vi đầu tiên – các sếp “quản lý” – thường bao gồm các hoạt động như: ghé thăm các cơ sở, tương tác với nhân viên, gặp mặt các khách hàng và nhà cung cấp.

Kiểu hành vi còn lại – các sếp “lãnh đạo” – thường liên quan đến các cuộc họp với các nhân sự cấp cao, lên kế hoạch, gặp gỡ với rất nhiều các bộ phận khác nhau trong công ty, vẽ chiến lược, truyền thông tầm nhìn.

Kiểu sếp nào tốt cho công ty hơn

Khi phân tích 2 kiểu CEO này và tình hình tài chính, đã xem xét đến các yếu tố như lĩnh vực kinh doanh, quốc gia, quy mô công ty, các nhà nghiên cứu thấy rằng những giám đốc có xu hướng “lãnh đạo” thay vì “quản lý” điều hành các công ty năng suất hơn và thu nhiều lợi nhuận hơn.

Đến đây, bạn có thể vội khuyên các sếp đừng nên quá tham gia vào chuyện công việc của nhân viên, mà hãy tập trung vào việc lớn, như vẽ tầm nhìn, ra chiến lược.

Tuy nhiên, các tác giả cho rằng công thức này không phải lúc nào cũng đúng với mọi công ty. Tùy vào việc công ty lớn hay nhỏ, tổ chức phức tạp hay đơn giản, cần nhiều kỹ năng hay lao động chân tay mà cần các kiểu sếp khác nhau.

Những lãnh đạo đưa ra tầm nhìn, họp hành thường xuyên với các bộ phận chủ chốt và giao tiếp hiệu quả có thể đem lại những thay đổi tích cực cho công ty, khi hoàn cảnh đòi hỏi những kỹ năng đó. Nhưng một công việc cũng quan trọng không kém là tìm hiểu và tìm ra sự phù hợp giữa phong cách lãnh đạo của các sếp và nhu cầu mà công ty thực sự cần.