Gậy tự chụp ảnh hay “tự sướng” (selfie stick) là một phụ kiện mới phổ biến gần đây của giới trẻ. Nhưng bạn có biết nó đã được ra đời từ hơn 30 năm trước?
Mặc dù hiện đang bị xem là một thiết bị gây phiền toái ở nơi công cộng – như sân khấu, rạp phim, viện bảo tàng và thậm chí cả ở những sự kiện công nghệ – nhưng gậy tự sướng đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt từ khi chụp ảnh chân dung bằng smartphone dần thay thế máy ảnh truyền thống.
Song khi mới ra đời, thiết bị hỗ trợ chụp ảnh này bị ghẻ lạnh và nó còn có mặt trong quyển “101 phát minh gần như vô dụng của Nhật Bản”, sánh vai với các phát minh khác như bấm móng tay cho… mèo hoặc đồ tắm không thấm nước (dành cho ai muốn tắm mà không bị… ướt). Ra đời từ… vụ trộm Những phát minh gần vô dụng, hay còn được gọi là Chindōgu, thuật ngữ do Kenji Kawakami “phát minh”, nhằm định nghĩa về những thứ gần như vô dụng trong đời sống hàng ngày, thường thì chúng chỉ có một chức năng duy nhất nhưng chẳng mấy khi được dùng đến. “Tuy vậy, nếu anh làm ra một món gì đó trở nên hữu dụng và được sử dụng thường xuyên, thì anh đã thất bại khi tạo ra một Chindōgu. Hãy đăng ký ngay với Văn phòng Bản quyền”. Và gậy tự sướng, từng bị xem là một Chindōgu, sau cùng đã thoát “kiếp” vô dụng khi lần đầu được phát minh ra bởi Hiroshi Ueda từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ueda là một nhân viên của hãng máy ảnh Minolta và ông cũng rất thích chụp ảnh.
Hiroshi Ueda và chiếc gậy kéo dài của mình Nhưng ý tưởng về gậy tự sướng không tình cờ đến với Ueda. Mê nhiếp ảnh, ông thường xuyên mang theo máy chụp hình mỗi khi du lịch nước ngoài. Và trong một lần đi châu Âu, Ueda rất muốn có được ảnh lưu niệm của mình với vợ. Song không phải người qua đường nào cũng đáng tin cậy để nhờ vả. “Khi tôi ở viện bảo tàng Louvre ở Paris, tôi nhờ một đứa nhỏ chụp hình 2 vợ chồng. Nhưng khi tôi quay đi, đứa bé đã chạy mất cùng chiếc máy ảnh của tôi”, Ueda kể lại câu chuyện nửa bi nửa hài của mình. Và gậy tự sướng, hoặc gậy “kéo dài” (extender stick), nảy sinh ra trong đầu Ueda. Điều khôi hài là nó đến từ việc… mất tin tưởng ở con người khi trao một cỗ máy đắt tiền vào tay người lạ. “Ý tưởng đằng sau nó chính là tôi không cần phải nhờ vả ai nữa để chụp hình – tôi có thể tự chụp hình chính mình ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào tôi muốn”. Chiếc gậy kéo dài của Ueda ban đầu được gắn với máy ảnh qua lỗ gắn tripod bên dưới máy và nó có cả một chiếc gương để ông có thể nhìn thấy hình ảnh của mình trước khi bấm nút chụp. Tuy vậy, hơn 30 năm trước, ý tưởng này không được nhiều người đón nhận. Ngay ở chính công ty Ueda làm việc, bộ phận kiểm định sản phẩm của Minolta nhận ra rằng phụ nữ (ở thập niên 80) rất ngại ngùng khi chụp ảnh tự sướng của chính mình. Nên dù được đăng ký bản quyền từ 1983, nhưng sản phẩm của Ueda không bán được nhiều.
Hiroshi Ueda tự chụp ảnh cả nhà bằng gậy kéo dài của ông Chưa kể chất lượng ảnh chụp từ gậy kéo dài của Ueda không tốt, do máy ảnh thời ấy không “thông minh” như hiện nay và chúng còn sử dụng phim, nên người chụp cần suy xét kỹ trước khi bấm nút. Không như chúng ta ngày nay, hoàn toàn có thể thoải mái chụp cả chục tấm và xóa đi tới 90% những ảnh không ưng ý nhờ việc lưu trữ bằng bộ nhớ trong hoặc thẻ nhớ của máy. Tới 2003, bản quyền của Ueda hết hạn. Nhưng kể cả tại thời điểm đó, trào lưu chụp ảnh tự sướng vẫn chưa ra đời. Ngoài ra, máy ảnh thời xưa rất nặng và để cầm giữ nó ổn định ở đầu kia bên kia của cây gậy cũng là một thử thách. Song ở bên kia Trái Đất, một người khác cũng có ý tưởng tương tự Ueda… Ai mới có công? Người đàn ông Canada chuyên làm ra các món phụ kiện, Wayne Fromm, tin rằng sự phổ biến của gậy tự sướng đến từ công sức của ông. Sản phẩm lần này, có cả một cái tên thương mại hẳn hòi, Quik Pod, ra đời từ đầu những năm 2000. Nhưng Fromm không hề biết đến thiết kế của Ueda có từ 20 năm trước đó. Khôi hài là sản phẩm của Fromm cũng đến từ một chuyến du lịch châu Âu với con gái mình. “Chúng tôi cứ phải hỏi hết người lạ này đến người lạ khác với hy vọng họ sẽ sẵn sàng chụp ảnh giùm chúng tôi. Anh ngồi đó chờ đợi, cầu mong có ai đó nói tiếng Anh để nhờ vả… Và lúc đó ý tưởng lóe lên trong tôi – sẽ thế nào nếu chiếc máy ảnh có lửng lơ trong không khí, như là có ai đó đang chụp ảnh giùm chúng tôi?”, Fromm bồi hồi kể lại.
Wayne Fromm và con gái Sage cùng giới thiệu Quik Pod Khi về tới nhà mình, Fromm bắt đầu lao vào nghiên cứu. “Tôi mua hàng tá chiếc dù che mưa và tháo bung chúng ra. Con gái tôi bước từ trên gác xuống và thấy tôi đang nghiên cứu khoảng 20 cái dù khác nhau. Lúc ấy con bé nghĩ tôi có chút gì đó điên điên”. Nhưng Fromm cũng không quên những người ưa du lịch mạo hiểm, nên sản phẩm của ông có khả năng chống chịu được cả nước và cát. Tiếp đó, Fromm bỏ ra cả chục năm để quảng bá Quik Pod tại mọi hội chợ, cho đến khi smartphone bùng nổ và trào lưu tự sướng lên ngôi. Ông xem đó là kết quả từ nỗ lực của mình, “Đó là sự thành công kéo dài suốt 10 năm trong nháy mắt”. Trong mô tả về bản quyền Quik Pod, Fromm đánh giá gậy kéo dài của Ueda như một “thiết kế tiên phong”. Song ông cho rằng trào lưu gậy tự sướng hiện nay đến từ sản phẩm của mình, chứ không phải của người Nhật. “Mọi chuyện xảy ra là nhờ sản phẩm của tôi, tôi có thể chỉ ra hàng đống bằng chứng cho điều đó. Có rất nhiều mẫu mã nhái theo sản phẩm của tôi và thậm chí còn có cả hình con gái tôi trên mẫu bao bì sản phẩm. Các nhà máy đã học theo sản phẩm của tôi qua ngần đó, kể cả việc ăn theo mẫu ảnh chụp”. Fromm khẳng định gậy tự sướng mới là phát minh của mình. “Đấy chính là lý do mà tôi nói rằng tôi đã phát minh ra thứ chúng ta gọi nó là gậy tự sướng trong hôm nay”. Không phải cứ sớm là tốt Tuy vậy, sản phẩm của Fromm cũng như Ueda, đều có doanh số không tốt. Vì có rất nhiều công ty đang kiếm lời từ việc nhái lại chúng. Và vấn đề là số lượng các công ty ăn theo quá lớn nên cả Fromm lẫn Ueda đều không thể kiện được ai. Dù sao, cả 2 đều có thể được an ủi phần nào. “Vấn đề là anh thực sự làm ra được một thứ hữu dụng với mọi người. Nên tôi cảm thấy vui khi cả thế giới đã đón nhận chiếc gậy tự sướng”, Fromm bày tỏ.
Nhờ gậy tự sướng, bạn sẽ không gặp tình trạng dở khóc dở cười như người đàn ông áo trắng hẹn giờ quá sớm và không kịp xếp hàng như trong ảnh Riêng về Ueda, ông có chút “tiếc nuối” vì sự “đi trước thời đại” của mình. “Ý tưởng của tôi đến quá sớm, nhưng nó chỉ là một trong số các ý tưởng. Tôi đã đăng ký khoảng 300 ý tưởng và nó chỉ là một trong số đó. Chúng tôi gọi đó là ý tưởng lúc “3 giờ sáng”, vì nó đến quá sớm”. Dường như trong giới công nghệ, không phải cứ tiên phong mới có thành công. Đôi khi chúng ta còn phải đợi “chín muồi”. Huyền Thế Theo BBC |
Theo VnReview