Nhiều cô dâu Việt phải hồi hương do hôn nhân đổ vỡ tại xứ người. Họ ẵm con về nước trong cảnh trốn chạy, chưa kịp làm thủ tục ly hôn, cũng không mang đủ giấy tờ cho con. Tại quê mẹ, những đứa trẻ lai lại đối mặt với cảnh không được đi học vì không có quốc tịch Việt Nam.
Trở lại cù lao Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi hơn mười năm trước được gọi là “đảo Đài Loan” khi cả cù lao có hơn 1.000 cô gái lấy chồng ngoại – chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, các cô gái Tân Lộc rời cù lao lấy chồng ngoại đã giảm dần, nhưng người Tân Lộc lại đón dòng hồi hương của các đứa trẻ con lai trở về quê mẹ.
“Con không cha như nhà không nóc” – câu chuyện hồi hương của những đứa con lai không có cha bên cạnh còn buồn hơn cả câu chuyện ly hương của những người mẹ năm nào.
Không thể đi học vì không có quốc tịch Việt
“Con chào chú!” – cô bé Lee Chaewon khoanh tay chào rành rọt khi chúng tôi vừa đến nhà.
Từ cái tên đến khuôn mặt không khó nhận ra đó là một cô bé Hàn Quốc, nhưng Chaewon không biết nói tiếng Hàn và không có ký ức gì về quê nội khi đã trở về Việt Nam lúc 10 tháng tuổi.
Bà Nguyễn Thị Thúy, bà ngoại bé Lee Chaewon, rầu rĩ: “Năm nay con nhỏ 7 tuổi, vẫn đến trường học lớp 1 như mấy đứa trong xóm nhưng chỉ là học gửi, không có học bạ vì không có quốc tịch lẫn giấy khai sinh Việt Nam”.
Rắc rối ấy của Lee Chaewon bắt nguồn từ cuộc hôn nhân dang dở của mẹ là chị Phạm Thị Bích Liên.
Năm 2010 chị Liên lấy chồng người Hàn Quốc (thủ đô Seoul), khi Lee Chaewon được gần 1 tuổi và chị Liên đang mang bầu con gái thứ 2 Lee Suu Jin thì hôn nhân đổ vỡ.
Chị Liên mang cả hai con về nước khi chưa kịp làm thủ tục ly hôn và cũng không mang theo giấy khai sinh của Lee Chaewon. Ít lâu sau thì nhận được tin người chồng ở Hàn Quốc qua đời vì tai nạn giao thông, từ đó chị bặt tin luôn với gia đình chồng.
Cuộc sống nghèo khó của ba mẹ con ở xứ cù lao này làm chị Liên không quan tâm nổi đến thân phận pháp lý của hai đứa con gái mang quốc tịch Hàn Quốc. Liên gửi con cho bà ngoại đi Malaysia làm ăn đã ba năm nay chưa về, mỗi tháng gửi về vài triệu đồng nuôi con.
Cho đến khi Lee Chaewon đến tuổi đi học thì mới biết tấm hộ chiếu Hàn Quốc đã quá hạn và không phải là giấy tờ để bé Lee đủ điều kiện đến trường.
Bà ngoại phải cậy nhờ lãnh đạo phường Tân Lộc can thiệp để bé Lee được đi ‘học gửi’, nhưng bé sẽ không có học bạ và không được hưởng các chế độ như bao đứa trẻ khác.
Câu chuyện của Lee Chaewon là điển hình cho số phận của hàng ngàn trẻ lai phải theo mẹ trở về quê ngoại ở miền tây Việt Nam.
Tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cậu bé Hong Deajun năm nay đã 13 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 4. Năm 9 tuổi cậu vẫn chưa đi học cũng vì không có quốc tịch Việt Nam.
Rất may cuối năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang ra văn bản “xé rào” yêu cầu các huyện phải cho tất cả trẻ lai được đến trường, nhờ đó Hong Deajun được đến lớp.
Nhưng cũng như bé Lee Chaewon, Hong Deajun vẫn nằm trong danh sách ‘học gửi’ vì không có giấy khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam. Và muốn đổi sang quốc tịch của mẹ, các em phải chờ đến năm 18 tuổi.
“Bế tắc”
Đó là từ mà ông Phạm Văn Sách, cán bộ hộ tịch P.Tân Lộc (Q.Thốt Nốt), nói khi nhắc đến chuyện giấy tờ cho trẻ lai.
Gần 20 năm làm trưởng ấp rồi cán bộ hộ tịch, ông Sách đã tìm cách giải quyết cho rất nhiều trường hợp trẻ lai, nhưng “càng làm thì càng đi vào ngõ cụt”.
Ông Sách thừa nhận khoảng năm 2006 khi lác đác một vài trẻ lai theo mẹ trở về, ở cù lao Tân Lộc đã có tình trạng bà ngoại, cậu mợ đứng ra nhận làm cha mẹ trong giấy khai sinh của các bé. Sau đó, nhiều bé khác có cha là người nước ngoài được sinh ra tại quê mẹ cũng được phường chủ động làm khai sinh…
Tuy nhiên, sự “linh động” này sau đó bị siết lại, quận yêu cầu thu hồi tất cả giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền. Riêng P.Tân Lộc những năm qua đã thu hồi trên 20 giấy khai sinh và ông Sách cho biết sẽ còn tiếp tục thu hồi.
Bà Phạm Thị Hương – Trưởng Phòng tư pháp Q.Thốt Nốt nói, những đứa trẻ con lai trở về đều rời quê cha trong hoàn cảnh hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ.
Những cô dâu Việt khi ẵm con về nước trong cảnh trốn chạy, chưa kịp làm thủ tục ly hôn với chồng, không mang đủ giấy tờ cho con nên không thể làm khai sinh Việt Nam.
“Đây là vướng mắc lớn nhất, bởi việc quay lại quê chồng để giải quyết thủ tục ly hôn, tìm lại các giấy tờ của mình và đứa con với người chồng ngoại là điều bất khả kháng với những cô dâu Việt đã về nước” – bà Hương nói.
Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết năm 2016, chủ tịch UBND TP Cần Thơ từng có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp để các trẻ em con của công dân Việt Nam với người nước ngoài được “tham gia học tập và hưởng các quyền lợi như trẻ em Việt Nam”.
Tuy nhiên, mong muốn đó cho đến nay với các trẻ lai ở Cần Thơ và các tỉnh khác vẫn là điều chưa thực hiện được.
Hiện nay, ngay cả những đứa trẻ có mẹ là người Việt Nam, cha là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng cũng không có khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam chỉ vì mẹ chúng từng kết hôn với người nước ngoài.
Cần Thơ có 700 con lai
Toàn Q.Thốt Nốt hiện có 154 trẻ lai, nhưng theo bà Hương, con số này rất biến động vì nhiều trẻ về không khai báo và đến rồi đi liên tục. Trong đó chỉ từ năm 2014 đến nay quận đã thu hồi 33 giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền, đồng thời ngưng cấp mới khai sinh cho nhiều trẻ lai không đủ điều kiện.
Trong toàn TP Cần Thơ, theo thống kê tạm thời của Sở Tư pháp, có hơn 700 trẻ con lai đang sinh sống, trong đó hơn 400 trẻ không có quốc tịch Việt Nam.
Theo tuoitre