Trung Quốc rất “nhạy cảm” trước dịch Ebola vì có lượng nhân sự lớn đang làm việc tại châu Phi và công tác kiểm soát phòng bệnh trong nước kém hiệu quả, người phát hiện chủng virus chết người phát biểu hôm Thứ Năm (30/10).
Chuyên gia virus học người Bỉ là Peter Piot cho biết, kinh nghiệm với những đợt dịch virus bùng phát khác cho thấy hoạt động tầm soát dịch tại sân bay hầu như không hiệu quả. Ông cũng lặp lại chỉ trích trước đó với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những phản ứng chậm chạp của tổ chức này vào giai đoạn đầu khủng hoảng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và dấu ấn ngoại giao của Bắc Kinh bao phủ trên diện rộng tại lục địa này trong những năm gần đây. Bắc Kinh muốn tìm kiếm nguồn tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
“Hàng nghìn, hàng vạn người dân và nhân công Trung Quốc đang hiện diện tại châu Phi lúc này. Do đó, một trong số họ quay về Trung Quốc là điều khó tránh. Tôi lo lắng về điều đó hơn là việc người châu Phi tới Trung Quốc”, ông Piot trình bày trong bản báo cáo về Ebola ở Tokyo.
Trong khi đó, chất lượng dịch vụ y tế công tại Trung Quốc lại là vấn đề gây thêm lo ngại, ông nói thêm.
“Tôi không nghĩ bạn thật sự có thể ngăn người dân đi du lịch, do đó những bệnh nhân này sẽ có mặt tại bất kỳ nơi đâu trên toàn thế giới, và Trung Quốc rất dễ bị virus tấn công”, Piot cảnh báo.
Đáp lại câu chất vấn cũng trong tuần này về việc Trung Quốc đã làm gì để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đất nước mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao là ông Hồng Lỗi cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra thân nhiệt của tất cả những người đến Trung Quốc và thực hiện công tác phòng chống dịch”.
“Cho tới nay, nhờ vào cơ chế hoạt động hiệu quả, Trung Quốc chưa có ca nghi nhiễm nào. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì cảnh giác cao độ và không lơ là việc bảo vệ chính mình”, ông Lỗi nói.
Dịch bệnh Ebola tàn phá Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 4.992 người, chủ yếu tại Liberia, Guinea và Sierra Leone, theo cập nhật mới nhất từ WHO.
Chuyên gia Piot cho rằng, con số tử vong trong đợt dịch lần này gấp 3 lần trận dịch cách đây 4 thập kỉ.
Sàng lọc tại sân bay không hiệu quả
Ông Piot là nhà khoa học đồng phát hiện ra chủng virus này năm 1976 tại Zaire, nay là Cộng hòa Nhân dân Congo. Ông kêu gọi các quốc gia tập trung ngăn chặn đại dịch tại Tây Phi hơn là thực hiện việc kiểm tra không có hiệu quả ở các sân bay.
“Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, dẫu cho dịch bệnh cách đất nước chúng ta đến hàng nghìn hàng vạn dặm thì ai trên thế giới này cũng đối mặt rủi ro”, ông nhận định.
“Chúng ta đã chứng kiến vài trường hợp nghiêm trọng tại Tây Ban Nha, Mỹ và điều này thật sự không thể tránh khỏi. Cách duy nhất để chặn đứng dịch bệnh không phải là khép kín cửa khẩu và cũng không phải là kiểm soát hành khách, tất cả đều không hiệu quả. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh đó ngay tại châu Phi. Nhiều nước trong đó có cả Mỹ đã bắt đầu kiểm soát du khách từ Tây Phi xem họ có sốt hay gặp vấn đề gì hay không, nhưng xét trên phương diện khoa học, hoạt động này không hiệu quả”.
Ông Peter Piot hiện là Hiệu trưởng trường Vệ sinh Y tế Nhiệt đới cho biết thêm, WHO và cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã có thể làm tốt hơn để ứng phó với dịch bệnh của năm.
“WHO ứng phó quá chậm chạp, đặc biệt là văn phòng ở châu Phi, nơi đáng ra phải hoạt động tốt hơn những văn phòng tại khu vực khác. Văn phòng này nên là tuyến đầu trong hoạt động ứng phó và họ đã không làm tốt nhiệm vụ của mình”, ông chỉ trích.
WHO thông tin trong bản cập nhật mới nhất, tỉ lệ người nhiễm Ebola mới phát hiện đang có chiều hướng giảm tại đất nước chịu thiệt hại nặng nề nhất là Liberia, mặc dù cuộc khủng hoảng còn lâu mới chấm dứt.
Nhà khoa học Piot cho rằng, “kịch bản lạc quan” là dịch bệnh sẽ giảm bớt vào Giáng Sinh.
Nhưng ông cũng nhắc nhở phải cảnh giác “cho đến khi người cuối cùng qua đời hoặc sống sót mà không lây nhiễm cho bất cứ ai, vì chỉ cần một người cũng đủ để châm ngòi và làm bùng phát một đợt dịch khác”.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo AFP