Giáo sư Clive Hamilton, một tác giả đáng kính kiêm chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tuyên bố có bằng chứng cho thấy virus Corona bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán – không phải từ khu chợ động vật hoang dã như tuyên bố của Bắc Kinh đưa ra trước đó, theo Daily Mail.
“Lập luận cho rằng virus Corona xuất hiện từ chợ Hải sản Hoa Nam không còn hợp lý nữa,” Giáo sư Clive Hamilton nói với Sky News vào tối 7/5.
Giáo sư Hamilton cho biết những ca lây nhiễm Covid-19 sớm nhất đều xuất hiện ở những người không có liên hệ với chợ hải sản Hoa Nam, nơi bị coi là khu vực bùng phát dịch bệnh đầu tiên.
“Điều này đã được các nhà nghiên cứu hàng đầu chứng minh,” ông nói.
Vì vậy, ý kiến cho rằng dịch bệnh bắt đầu từ tháng 12, thường là vào cuối tháng 12, tại khu chợ thịt sống, đơn giản là không hợp lý.
“Lời giải thích hợp lý duy nhất đó là một rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.”
Giả thuyết này xuất phát từ chính các nhà khoa học Trung Quốc và đã xuất hiện trên Internet trước khi biến mất, Giáo sư Hamilton cho biết.
Trung Quốc thậm chí còn dùng hệ thống Internet để tìm người phụ nữ được cho là bệnh nhân số 0 – đã từng làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán. Và người này “dường như đã biến mất khỏi hành tinh,” ông cho biết.
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng virus đã lây truyền từ dơi sang một loài trung gian không xác định trước khi lây nhiễm cho con người tại chợ Hoa Nam, nơi nuôi nhốt và giết mổ động vật hoang dã. Tuy nhiên, khu chợ này có vị trí rất gần với Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 duy nhất ở Trung Quốc.
Phòng thí nghiệm P4 đã nghiên cứu một loạt các chủng loài virus corona bao gồm cả nghiên cứu bằng phương pháp kỹ thuật, Giáo sư Hamilton cho biết. “Khả năng là loại virus cực kỳ nguy hiểm này đã thoát ra ngoài bằng cách nào đó.”
Giáo sư Hamilton cũng đề cập đến một bài báo tiết lộ virus Corona xuất phát từ một ‘sự cố’ rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. Bài báo ngắn được đăng vào ngày 6/2, do 2 nhà khoa học Botao Xiao và Lei Xiao đến từ các trường đại học Vũ Hán viết, có tựa đề là “Khởi nguồn của virus Corona 2019-nCoV.”
“Có một giả thuyết rất hợp lý ở đây rằng ai đó trong phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh, rồi người này ra ngoài và bắt đầu lây nhiễm cho những người khác ở Vũ Hán,” ông Hamilton nói.
Bài báo cũng đưa ra lưu ý rằng những con dơi mang virus sống ở nơi cách chợ hải sản đến 900km, cư dân ở Vũ Hán không ăn chúng và “không có con dơi nào được buôn bán ở chợ thịt sống.
Nhiều chuyên gia khoa học và y tế cũng đang hoài nghi lời giải thích cho rằng chợ Hoa Nam là nơi bùng phát dịch đầu tiên.
Giáo viên y khoa có trụ sở tại Vương quốc Anh, Tiến sĩ John Campbell, người cung cấp các cập nhật dựa trên bằng chứng hàng ngày về đại dịch Vũ Hán trên YouTube, nói rằng dường như không tìm thấy một loài trung gian nào giữa dơi và người.
“Lúc đầu người ta nghĩ rằng đó là do tê tê nhưng đều không thấy bằng chứng nào cho thấy điều đó cả,” ông nói vào ngày 01/5.
Tiến sĩ Campbell lưu ý rằng một sự trùng hợp lớn là đại dịch bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán và cho biết các nhà khoa học có thể đã tiến hành nghiên cứu động vật mang virus corona và một trong những nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã bán một số động vật cho chợ thịt sống Vũ Hán gần đó.
Nhà nghiên cứu bệnh học có trụ sở tại Hoa Kỳ Chris Martenson cho biết một chuỗi nucleotide đáng ngờ trong mã hóa RNA của virus Corona Sars-Cov-2 dường như đã được thêm vào vì chúng không xuất hiện ở bất kỳ loại virus tự nhiên nào có họ hàng với virus corona chủng mới.
Đáng ngờ hơn nữa, trình tự nucleotide xuất hiện ngay tại vị trí trình tự RNA được gọi là vị trí phân cắt furin, nơi enzym furin có thể cắt chính xác protein, ông cho biết.
“Không có chủng virus nào trong số những virus được nghiên cứu có họ hàng gần xa với virus chủng mới này. Mức gen tương đồng giữa chúng chỉ đạt 40%”, ông nói trong một phân tích trên YouTube.
Tiến sĩ Martenson đã giải thích rằng phần RNA được chèn vào không có khả năng là kết quả của đột biến tự nhiên vì các đột biến thường thay đổi bởi một nucleotide ngẫu nhiên tại một thời điểm, không phải là sự xuất hiện đột ngột của một chuỗi hoàn toàn mới.
Một phân tích dữ liệu vị trí điện thoại di động cho hay Viện Virus học Vũ Hán đã đóng cửa từ ngày 7/10 đến ngày 24/10 và điều này có thể chỉ ra một “sự kiện nguy hiểm” vào khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 11/10.
Các cơ quan tình báo Mỹ đang xem xét tài liệu liên quan.
Trung Quốc bị cáo buộc che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch sau khi nó bắt đầu lan rộng và gây thiệt hại cho toàn thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết về virus Corona từ ngày 7/1 nhưng đến ngày 23/1, Trung Quốc mới đóng cửa vùng tâm chấn dịch bệnh, thuộc tỉnh Hồ Bắc, sau khi 5 triệu người đã rời khỏi Trung Quốc và đi ra thế giới.
Úc đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ điều tra độc lập về cách thức virus Corona bắt đầu xuất hiện và lây lan, và đã vận động các nhà lãnh đạo thế giới cùng tham gia ủng hộ cuộc điều tra.
Điều này đã khiến Trung Quốc tức giận, các nhà ngoại giao Bắc Kinh lên tiếng đe dọa cắt đứt các con đường thương mại của Úc.
Hồi năm ngoái, Giáo sư Hamilton cũng đã viết một cuốn sách cảnh báo sự kiểm soát chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Úc có tên là Cuộc xâm lược thầm lặng: Cách Trung Quốc biến Úc thành một quốc gia bù nhìn, sự thật được tiết lộ.
“Bắc Kinh không muốn Liên minh châu Âu biết đến sự thật, rằng dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc.”
Trung Quốc đã bị buộc tội che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch sau khi nó bắt đầu lây lan, gây thiệt hại cho các tuần chuẩn bị quan trọng của thế giới.
Đáng lo ngại, Giáo sư Hamilton cho biết các nhà khoa học Trung Quốc có quan hệ quân sự với chính quyền Bắc Kinh hiện đã thâm nhập vào các trường đại học lớn nhất của Úc.
“Các trường đại học Úc đã che đậy rất nhiều điều, họ đã rất xấu hổ về điều này và sẽ không thừa nhận nó,” ông nói.
Giáo sư Hamilton cho biết một số nhà nghiên cứu tại các trường đại học Úc có cấp bậc trong hệ thống Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các trường đại học Úc vẫn hoan nghênh những người này dù biết họ có mối quan hệ với PLA.
Theo số liệu thống kê mới nhất ngày 12/5, số ca nhiễm virus Corona ở Úc đã tăng từ 12 đến 6,970 ca, trong đó có 97 ca tử vong. Theo thống kê từ trang Worldmeter, toàn thế giới đã ghi nhận 4.246.795 người nhiễm virus với 286.740 người chết, 2.388.352 người đang bị bệnh và 1.522.034 người đã hồi phục.
Thiện Thành (Theo Daily Mail)