Theo PGS. TS Phạm Xuân Mai, xe máy tại Sài Gòn đang nhiều nhất thế giới và là “thủ phạm” gây ùn tắc, vậy nên đề nghị chính quyền TP HCM sớm hạn chế rồi cấm hẳn. Ý kiến này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Ý kiến trên được PGS. TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông – ĐH Bách Khoa TP HCM) phát biểu tại hội thảo Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP HCM – Thực trạng và giải pháp vào ngày 20/4.
Theo ông Mai, ông đã tham gia rất nhiều buổi họp bàn hạn chế xe cá nhân nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được thực hiện, còn xe máy vẫn tăng lên từng ngày.
Ông Mai thẳng thắn và đề nghị chính quyền thành phố “làm cuộc cách mạng” hạn chế, tiến tới cấm hẳn xe máy như nhiều nước đã làm: “Tôi đã nói suốt 15 năm nay rồi, vấn đề bây giờ là bắt tay vào thực hiện. Hy vọng đây là lần cuối cùng tôi nói về việc hạn chế xe máy tại TP HCM”.
Để chứng minh, ông dẫn các con số thống kê cho thấy hiện tỉ lệ xe máy/1.000 người dân. Theo đó, trung bình TP HCM có 910 xe máy trên 1.000 dân – tỷ lệ cao nhất thế giới. Con số này ở Hà Nội là 653, Bangkok (Thái Lan) 265, Jakarta (Indonesia) 160, Dehly (Ấn Độ) 175…
“Qua nhiều năm nghiên cứu chúng tôi cho xe máy là thủ phạm gây kẹt, tai nạn giao thông và tiêu tốn nhiên liệu”, ông Mai cho biết.
Ông dẫn chứng thêm, một năm cả nước có hơn 8.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông. Trong đó, 71% là do xe máy (va chạm nhau; với người đi bộ, các loại phương tiện khác và tự gây tai nạn)… tương đương 43 vụ rơi máy bay.
Cũng theo ông Mai, cứ mỗi lần có đề xuất cấm xe máy là lại “có nhiều ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo” nên chính quyền lại chùn tay.
Ông Mai nêu quan điểm: “Tôi nói thẳng, Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, đừng lấy cái nghèo ra để dọa nhau”.
“Chúng ta không nên xem xe máy là phương tiện giao thông. Nó chỉ tiện cho cá nhân, song gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Trung Quốc đã cấm xe máy ở các thành phố lớn và họ đã cho thấy đó là cách làm đúng đắn. Các nơi khác như HongKong, Singapore, Myanmar cũng đã làm”, ông Mai dẫn chứng.
Từ đó, ông Mai đề xuất một loạt giải pháp để hạn chế và cấm xe máy như: Giảm nguồn cung, không nhập khẩu xe máy; dừng phát triển công nghiệp xe máy; thu phí cao người sở hữu từ 2 xe trở lên và nhất là phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng…
Tương tự, có nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ quan điểm đồng tình, rằng TP HCM cũng như Việt Nam phải đi theo xu thế của các nước là phát triển giao thông công cộng và hạn chế gia tăng xe cá nhân để giải quyết tình trạng kẹt xe.
Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, tính đến tháng 3 năm nay, TP HCM đang quản lý gần 8 triệu ôtô xe máy (7,3 triệu xe máy và gần 640 nghìn ôtô), chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày có thêm khoảng 1.000 ôtô và xe máy đăng ký mới.
Sau khi ý kiến của PGS. TS Phạm Xuân Mai đưa ra đã có nhiều ý kiện tranh luận trái chiều trong dư luận. Một số bày tỏ quan điểm giống với ông Mai khi ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên đa số mọi người đều đặt ra câu hỏi về giải pháp thực hiện, cũng như cải thiện hệ thống giao thông công cộng như thế nào.
Nhiều người cũng cho rằng, nguyên nhân tắc đường nằm ở ý thức của người dân khi tham gia giao thông, vậy nên cần phải giải quyết cái gốc này trước.
Bảo An tổng hợp