Chiều 8/8, Công ty JVE, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch tổ chức buổi trình diễn kết quả ban đầu của quá trình xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.
Người thực hiện hoạt động này là Tiến sĩ Kubo Jun – Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản.
Để chứng minh việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch, ông Kubo Jun đã trực tiếp ngụp lặn xuống bể nước đã qua xử lý trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Sau khoảng 10 phút tắm dưới bể, TS.Kubo Jun cho biết: “Khi bước vào bể nước đạt tiêu chuẩn Việt Nam sau khi xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, tôi thấy nước hoàn toàn không có mùi hôi. Ngụp lặn và rửa mặt bằng nguồn nước này, tôi có cảm giác như đang tắm ở bể bơi nước ngọt thông thường”.
Sau khi lên bờ, ông không cảm thấy ngứa hay có bất cứ khó chịu nào. Ngoài ra ông còn mang thêm một chai nước lấy từ sông Tô Lịch đã tắm để đem so sánh với một chai nước suối thông thường thì bằng mắt thường có thể thấy độ sạch không khác nhau mấy.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết ông tắm ở đây để chứng minh độ thành công của công nghệ.
Đại diện Công ty JVE cho biết hệ thống trình diễn xử lý được chia thành 4 bể nhỏ để đặt máy Nano và tấm vật liệu Bioreactor. Bể đầu tiên là xử lý yếm khí, đặt tấm vật liệu kích hoạt vi sinh vật yếm khí. Bể tiếp theo đặt máy Nano nhằm kích hoạt vi sinh vật hiếu khí.
Sau khi bùn hữu cơ được phân hủy, bùn vô cơ sẽ lắng lại. Bể cuối cùng chứa nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam, được chuyên gia Nhật Bản dùng để thử nghiệm bơi lội tại đây.
Tuy nhiên đây mới chỉ là mô hình, mô phỏng cho dễ hiểu quá trình xử lý bên trong lòng sông hiện tại chứ không áp dụng cho toàn bộ sông Tô Lịch. Có thể thấy được rất rõ bên ngoài khu vực các bể nước làm thí điểm xử lý, dòng nước sông Tô Lịch đang chảy vẫn đen kịt và bốc mùi hôi thối.
Để chứng minh tính hiệu quả xử lý nước cả con sông Tô Lịch trong tương lai, theo chuyên gia Nhật cho biết sau khi xử lý bằng công nghệ khiến lượng bùn dưới đáy sông bị phân hủy gần như hoàn toàn thì dù nước thải từ bên ngoài đổ vào liên tục hàng ngày nhưng sẽ được xử lý ngay trong ngày mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu.
JVE còn cho biết thêm, quá trình thí điểm có đến 6 tiêu chí đánh giá gồm:
Thứ nhất, xử lý triệt để mùi hôi thối từ gốc (cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano phải đảm bảo không còn mùi hôi thối.
Thứ hai, là phân hủy bùn hữu cơ còn tồn đọng lâu năm dưới lòng sông, hồ tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O, chất lượng trầm tích sau khi xử lý dần đạt quy chuẩn Việt Nam.
Thứ ba, là xử lý lượng nước thải hàng ngày đổ vào sông và xử lý tận gốc được cả nước đang bị ông nhiễm ở bên trong khu vực xử lý.
Thứ tư, bảo tồn được hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt. Số lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại giảm, vi sinh vật có lợi tăng.
Thứ năm, nước tại vị trí điểm lấy mẫu trong khu thí điểm sau khi xử lý dần đạt quy chuẩn Việt Nam (thời gian đạt có thể rút ngắn hoặc kéo dài hơn thời gian thí điểm, tùy thuộc vào tiến độ xử lý theo thực tế).
Thứ sáu, là hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp – không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải.
Các chuyên gia Nhật còn cho rằng, trong tương lai nếu kết quả thành công, cả dòng sông Tô Lịch có thể trong xanh như ngày xưa trở lại và người dân sau này có thể tắm ngay tại sông.
Bạch Nhật (t/h)