Ngày 15/11 vừa qua, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, việc bắt tay với Trung Quốc chưa bao giờ là một lựa chọn ít rủi ro.
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 thành viên ASEAN cùng 5 nước đối tác, đã được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua. Bất chấp những tín hiệu tích cực nhất thời từ thị trường chứng khoán, nhiều người vẫn lo ngại khi Hiệp định này có sự góp mặt của Trung Quốc sẽ đem lại hậu quả xấu về lâu dài.
Nói về việc này, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời phỏng vấn từ đài BBC cho biết: “Thực sự tôi tiếp cận thông tin này với cảm giác nửa mừng, nửa lo và có lẽ lo còn lớn hơn mừng.”
Theo bà Lan, tất nhiên là khi tham gia vào Hiệp định này thì Việt Nam sẽ có nhiều chỗ tốt như được chọn lựa nhiều hơn, tham gia nhiều khâu tạo giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế, thay thế một phần từ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ TQ, vào các thị trường như TQ và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên cũng theo bà, cũng có nhiều vấn đề phải lo lắng. Thứ nhất là, RCEP sẽ khiến Việt Nam dễ bị “mờ mắt” bởi các lợi ích gần mà mất tập trung vào những cố gắng về lâu dài. Ví như về vấn đề chất lượng sẽ bị bỏ ngỏ khi Việt Nam cứ lựa chọn những thị trường dễ dãi như TQ. Thứ hai là có thể khiến Việt Nam phụ thuộc hơn nữa vào các nguồn cung từ bên ngoài, tiếp tục – thậm chí nhập siêu nặng hơn nữa so với trước.
Từ Thức (t/h)