(PLO) – Cơ chế tác động của game đến tâm lý người chơi thế nào?. Làm cách nào để cai nghiện game?. Phương pháp cai game thế nào cho hợp lý?. PGS.TS Trần Thị Thu Mai, Quyền Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM trao đổi về chủ đề trên.
Thưa PGS, việc chơi game quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người chơi thế nào?
Trò chơi trực tuyến, trò chơi điện tử (gọi chung là game) tác động mạnh mẽ đến tâm lý người chơi. Trên phương diện cảm xúc, người chơi sẽ hình thành phản ứng lệ thuộc vào game, nghiện game và ảo tưởng về sự “vĩ đại” của bản thân mình. Nhiều game thủ không ngần ngại đánh đổi tình yêu, tình cảm gia đình và các giá trị thật ngoài cuộc sống để chạy theo giá trị ảo trong trò chơi.
Xin bà cho biết một số biểu hiện sớm của chứng nghiện game?
Một người có thói quen chơi game 3- 4 tiếng đồng hồ trở lên mỗi ngày là dấu hiệu của nghiện game. Những triệu chứng của nghiện net, nghiện game bao gồm: Đảo lộn sinh hoạt thường ngày; Cảm thấy bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game; Luôn bị ám ảnh bởi game; Mất khả năng làm những công việc bình thường hằng ngày; Mất khả năng kiểm soát hành vi…
Khi nhận thấy những biểu hiện trên, người chơi game phải tự điều chỉnh, gia đình cần có biện pháp can thiệp kịp thời. Theo tổ chức y tế thế giới, tâm lý tuổi vị thành niên (10 – 19 tuổi) dễ chịu tác động do game nhất, đặc biệt là game online (trò chơi trực tuyến).
Từ trước đến nay người ta nói nhiều đến tác hại của game online, vậy game online có tác dụng tích cực nào không, thưa PGS?
Trò chơi trực tuyến từ ý tưởng ban đầu là thú tiêu khiển để giải trí, giết thời gian và giảm stress, nhưng đã trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu. Bên cạnh tác dụng giải trí, game online có tác dụng nhất định trong việc kích thích tính sáng tạo, trí tưởng tượng, tính cộng đồng của người chơi nhờ tận dụng ưu thế của internet (tính ảo, tính trực tuyến, tính kết nối).
Dưới góc độ kinh tế, sự tăng trưởng có tính nhảy vọt của game online góp phần thúc đẩy quá trình phổ cập internet, đồng thời đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của công nghệ thông tin. Nhưng luôn luôn phải nhớ rằng game chỉ là một công cụ giải trí, một trò chơi, nếu sa đà vào đó thì sẽ gây ra vô vàn hệ lụy.
Trẻ em là đối tượng dễ bị thu hút và ảnh hưởng của game online nhất, vậy khi phát hiện trẻ nghiện game, cần xử lý thế nào?
Cha mẹ nên thực hiện các bước sau đây (theo nguyên tắc tác động vào nhận thức, cảm xúc và hành vi) khi thấy con có dấu hiệu nghiện game online:
Bước thứ nhất: Đả thông nhận thức bằng cách sắp xếp với con trẻ một cuộc nói chuyện thân tình. Nội dung trò chuyện không nên đả động ngay đến vấn đề game, mà hãy bắt đầu bằng vài câu chuyện phiếm rồi đi vào nội dung chính. Hãy tâm sự với trẻ vài bí mật của chúng, hỏi ý kiến trẻ về dự định nhỏ chẳng hạn rồi chuyển sang hỏi han chuyện bạn bè, chuyện mua sắm quần áo mới hay chuyện học hành. Từ đó, chúng ta có “đà” để trao đổi với trẻ về việc lên mạng quá nhiều và hỏi ý kiến trẻ về chuyện đó. Cuối buổi trò chuyện, có thể đề nghị trẻ tổ chức buổi ăn nhẹ cuối tuần hoặc gợi ý con bạn rủ bạn bè về nhà ăn cơm. Những việc làm trên không cần thực hiện thường xuyên, ít nhất trong khoảng một tuần trước khi chuyển qua bước kế tiếp.
Bước thứ hai: Tác động cảm xúc, bước này có nhiều cách.
Thứ nhất, dùng biện pháp cai game “cứng” bằng kỷ luật. Hãy tìm các biện pháp khéo léo để cách ly con và internet. Ví dụ các cách sau: Đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng quan sát, trẻ sẽ tự biết “mọi người có thể thấy tất cả những gì mình làm trên máy”. Hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày (dưới 30 phút) và cứng rắn đảm bảo “luật” này được tôn trọng, kèm theo các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm. Sau đó ngắt mạng, cho trẻ về quê hoặc đi du lịch, tham gia hội trại hè dành cho học sinh. Nói chung phải giúp trẻ cách ly với internet ít nhất năm ngày mới đủ thời gian phá vỡ thói quen cũ.
Thứ hai, cai game “mềm” bằng tâm lý. Có nghĩa cha mẹ cần khỏa lấp sự hụt hẫng nhu cầu chơi game của trẻ bằng cách hướng con cái vào hoạt động giải trí bổ ích khác hay những hoạt động khám phá thú vị như trại hè, xem kịch, chơi thể thao.
Trường hợp cần thiết hãy làm một cuộc “cách mạng” cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, luôn sẵn sàng có mặt khi con cần, dành thời gian cho con.
Bước cuối cùng là hình thành thói quen mới: Khi trẻ bắt đầu hòa nhập vào các hoạt động mới, hãy chọn ra vài hoạt động “đỉnh” nhất mà con bạn hứng thú để trẻ luyện thành thói quen hữu ích, thay thế thói quen chơi game cũ.
Bậc phụ huynh cần nhớ, không có viên thuốc thần kỳ nào khiến con cái trở về trạng thái cũ ngay lập tức. Cũng chắc chắn không có lớp cai nghiện game nào có thể đảm bảo trẻ không tái nghiện. Theo tôi thấy, cha mẹ, người thân đã trao con cái cho internet bao lâu thì phải mất ngần ấy thời gian để mang con trở về.
Câu hỏi cuối, PGS có lời khuyên nào đối với những người nghiện game?
Tất nhiên là phải cai nghiện game để tránh những hệ lụy phát sinh, tránh việc người nghiện game vi phạm pháp luật. Biện pháp tốt nhất để những người nghiện game có thể cai thành công là tìm được hoạt động bổ ích khác phù hợp sở thích và khả năng để tiêu khiển thay thế game. Song song với đó hãy đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống, lập kế hoạch cụ thể thực hiện mục tiêu đó sẽ giúp phòng ngừa tái nghiện game.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
|
Theo Pháp Luật VN