Dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lan rộng, nhiều chuyên gia dịch tễ học phương Tây cho rằng, dịch bệnh có thể sẽ lên đến đỉnh điểm, hai tuần tới là thời điểm then chốt nhất, tỷ lệ lây nhiễm sẽ đạt 5%, riêng ở Vũ Hán sẽ có 500.000 người nhiễm bệnh.
Để đối phó với tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán liên tục lan rộng, hơn 80 thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện “quản lý khép kín” như đóng cửa thành phố. Vào ngày 10/2, chính quyền Bắc Kinh cũng ban hành “Thông cáo phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, quản lý khép kín khu dân cư” và tuyên bố Bắc Kinh cũng bước vào giai đoạn “đóng cửa thành phố”.
Thời báo Tự do (Liberty Times ) đưa tin, giáo sư Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn John Edmunds nói rằng, mô phỏng trên máy tính cho thấy số ca nhiễm bệnh trên thực tế có thể gấp 10 lần so với con số hiện tại, thậm chí còn cao hơn. Những trường hợp “ẩn” này có thể do bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, hoặc chưa tới bệnh viện điều trị, do đó việc sàng lọc không chính xác 100%.
Adam Kucharski, một chuyên gia khác tại trường này và là phó giáo sư dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm tuyên bố thêm rằng, nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng hiện nay, ước tính dịch bệnh ở Vũ Hán sẽ đạt đến đỉnh điểm vào giữa tháng Hai.
Nhận xét về mức độ chuyển biến xấu của dịch bệnh, ông nói rằng, ở Vũ Hán khi đó cứ 20 người thì có 1 người nhiễm bệnh. Điều này được mô phỏng dựa trên thời gian ủ bệnh khoảng 5,2 ngày và thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đến lúc chẩn đoán chính xác là khoảng 6,1 ngày. Từ đó ước tính tỷ lệ lây nhiễm ở Vũ Hán là khoảng 5%, nghĩa là có 500.000 người sẽ bị nhiễm bệnh.
Các chuyên gia cho rằng, hai tuần tới là thời điểm mấu chốt để theo dõi tình hình dịch bệnh xem sẽ giảm đi hay tiếp tục tăng lên.
Benjamin Cowling, giáo sư Học viện Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 6/2 cho biết, 2 tuần tới là thời điểm mấu chốt để theo dõi tình hình phát triển của dịch bệnh.
Theo báo cáo của Thông tấn xã Trung ương, Eric Liang Feigl-Ding, một học giả Trung Quốc là chuyên gia y tế công cộng tại Harvard, kiêm cố vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử. Dịch bệnh sẽ tiếp tục ít nhất trong một tháng nữa rồi mới bước vào “thời kỳ đỉnh điểm”, nhưng cho đến thời điểm đó vẫn cần phải quan sát thêm.
Cái gọi là “thời kỳ đỉnh điểm” là dùng để chỉ khoảng thời gian khi số lượng các ca nhiễm bệnh tăng nhanh và đạt đến đỉnh điểm, sau đó liên tục đạt đỉnh hoặc dao động nhẹ.
Eric Liang Feigl-Ding nhắc nhở rằng, khi dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng và vẫn đang trong giai đoạn khó lường, mọi người nên chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và cẩn thận với những chi tiết nhỏ.
Ví dụ: khi đóng mở cửa, nên sử dụng giấy vệ sinh hoặc thậm chí là mu bàn tay để nắm tay cầm, không dùng tay ấn thang máy; ở nơi đông người, đặc biệt phải kiểm soát tay, tốt nhất không tùy tiện chạm vào nhiều đồ vật.
Trước đây, Keiji Fukuda, chuyên gia tư vấn cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhấn mạnh rằng, dịch bệnh chưa chắc có thể được kiểm soát vào mùa hè.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình phát thanh vào ngày 7/2, Viện trưởng viện Y học Hồng Kông Lương Trác Vĩ cho biết, viêm phổi Vũ Hán “khó khăn hơn nhiều” so với SARS. Hiện tại, không có dữ liệu khoa học nào cho thấy viêm phổi Vũ Hán có thể giảm bớt trong môi trường độ ẩm hoặc nhiệt độ cao.
Ví dụ, Singapore và Thái Lan hiện đang có thời tiết nóng, nhưng vẫn có những trường hợp lây truyền tại địa phương. Do đó, việc nhấn mạnh chiến lược phòng chống chỉ dựa vào thời tiết là không khoa học và thực tế.
Chuyên gia y tế tại Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ từng công bố một báo cáo CAPS mô hình dự đoán phổ biến quy mô lớn liên quan đến virus Corona, kết quả cho thấy nó có thể gây ra thảm họa 65 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Minh Huy (Theo NTDTV)