Ông Trump đang duy trì các chính sách của Tổng thống Reagan là tìm kiếm “hòa bình qua sức mạnh”. Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng để Triều Tiên chế tạo tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, rất có thể Washington sẽ động thủ.
Hiện tại, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang cách bán đảo Triều Tiên 300 hải lý. Những hình ảnh quay chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã tiến hành xong công tác chuẩn bị cho đợt thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, nếu Mỹ khiêu khích thì Triều Tiên sẽ tấn công hạt nhân để đáp trả. Mỹ liệu có áp dụng biện pháp “hành động trảm thủ” đối với Kim Jong-un hay không? Tình thế trên bán đảo Triều Tiên sẽ phát triển theo hướng nào?
Đài truyền hình NTDTV trụ sở tại Mỹ đã có buổi phỏng vấn Giáo sư Chương Thiên Lượng – học giả văn hóa lịch sử, bình luận viên chính trị về vấn đề Mỹ-Triều hiện đang rất căng thẳng này.
Dưới đây là trích dẫn nội dung cuộc phỏng vấn giữa người dẫn chương trình Phương Vĩ và Giáo sư Chương.
Phương Vĩ: Tình hình tại Triều Tiên hiện nay rất căng thẳng, không khí chiến tranh bao trùm khắp nơi. Thưa giáo sư Chương, ông suy nghĩ thế nào về tình thế và xu hướng phát triển tại Triều Tiên?
Giáo sư Chương Thiên Lượng: Hiện tại, thật sự đã đến thời điểm chơi bài ngửa. Đối với Triều Tiên, hầu như toàn bộ quyền lực và tính hợp pháp của chính quyền Kim Jong-un hoàn toàn dựa vào vũ khí hạt nhân. Bởi hiện tại, Kim Jong-un bỏ mặc tất cả các vấn đề kinh tế và toàn lực tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân, đời sống của nhân dân Triều Tiên trở nên vô cùng thiếu thốn. Kim Jong-un đang lấy những thành công đạt được trong quân sự làm cái cớ để biện minh và duy trì chính quyền độc tài của mình. Hiện nay, muốn Kim Jong-un ngừng chế tạo hạt nhân hay tên lửa đạn đạo gần như là điều không thể, ông ta đang đi đến bước không thể lui được nữa.
Về phía Mỹ, Donald Trump sẽ tuyệt đối không cho phép Triều Tiên có thể tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa. Cả hai bên đều đã rất rõ ràng quan điểm của mình. Hãy cùng nhìn lại sự kiện ông Trump cho bắn 59 quả tên lửa vào Syria. Ngày 4/4, Syria bị tấn công bởi vũ khí hóa học, ngay lập tức ngày 6/4, Donald Trump cho phóng tên lửa. Hành động này cho thấy ông Trump là một người rất quyết đoán.
Đồng thời, trong lĩnh vực ngoại giao, ông Donald Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn với phía bán đảo Triều Tiên, ông Trump nói rõ rằng đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ rằng bây giờ chiến tranh đã đến mức độ gần như sôi sục.
Hiện nay, về cơ bản ông Trump đang duy trì các chính sách của thời đại Reagan là tìm kiếm “hòa bình qua sức mạnh”. Mục đích chứng minh với bên ngoài hình ảnh một đất nước mạnh mẽ, và thế giới sẽ được an toàn. Sự an toàn của thế giới cũng rất có lợi đối với Hoa Kỳ. Ông Trump rõ ràng nhận thức được vấn đề.
Ông ấy gia tăng đáng kể kinh phí cho quân sự trên diện rộng, bao gồm cả việc sử dụng biện pháp này như một tối hậu thư gửi đến Nga, một điều mà trước đây ông Obama không dám làm.
Hai ngày trước, khi ngoại trưởng Mỹ đến thăm Nga, ông đã nói rất rõ ràng Nga sẽ phải lựa chọn đứng về phía Mỹ hay là phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đây là thái độ cương quyết cứng rắn chưa từng có trước đây ngay cả dưới thời George W. Bush.
Có một vài điểm đáng chú ý, chúng ta có thể lưu ý, hôm qua ông Trump đã tuyên bố rằng Trung Quốc không phải là nước thao túng tiền tệ, điều này đi ngược lại với những điều ông ấy nói khi là ứng viên tổng thống rằng Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và ông sẽ tăng thuế để trừng phạt Trung Quốc.
Nhưng ông ấy đã không làm thế, rõ ràng là sau cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình, hai bên đã đạt được một thỏa thuận. Thỏa thuận này trên thực tế ông Donald Trump đã tiết lộ trên Twitter của mình, đó là hy vọng Trung Quốc có thể phát huy tác dụng tích cực đối với việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, bởi vì ông Tập Cận Bình muốn đứng về phía Mỹ trong phương diện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Ở đây xuất hiện một vấn đề là Trung Quốc và Mỹ đứng cùng một chiến tuyến, vậy Trung Quốc cần hành động thế nào để khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân? Thực tế, các biện pháp của Trung Quốc rất hữu hạn, ngoài lệnh cấm vận thương mại thì không còn cách nào khác.
Vì vậy, ông Trump trong các cuộc họp báo hay trên Twitter đều thể hiện quan điểm rõ ràng, nếu Trung Quốc không thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ tự làm. Về cơ bản nó có nghĩa là nếu Trung Quốc không thể khiến Kim Jong-un hợp tác, nước Mỹ sẽ động thủ.
Triều Tiên đã sơ tán 600.000 người dân ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng để sẵn sàng tác chiến. Đồng thời Trung Quốc đã tăng cường quân đội ra biên giới, trong khi đó, tàu sân bay USS Carl Vinson và 2 tàu khu trục mang tên lửa Tomahawk của Mỹ đã có mặt tại vùng biển cách bán đảo Triều Tiên 300 hải lý.
Hiện tại, Mỹ, Nhật, Hàn đang diễn tập quân sự với nhau. Và nếu Kim Jong-un vẫn cố chấp tiến hành thử nghiệm hạt nhân thì có lẽ điều duy nhất mà Mỹ phải chờ đợi đó là Phó tổng thống Mỹ Mike Pence rời khỏi Hàn Quốc. Sau đó thì vào bất cứ lúc nào Mỹ cũng có thể động thủ.
Lê Hiếu biên dịch