Lạm phát dường như đã bao trùm khắp thế giới. Cộng thêm các vấn đề năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, và mọi người đều mong muốn tìm ra giải pháp.
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Hiện nay để đối phó với lạm phát Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào đầu tháng 5, nâng mức mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang từ 0,75% đến 1%. Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất của Fed trong 22 năm kể từ tháng 5/ 2000, và là lần tăng lãi suất 2 tháng đầu tiên kể từ tháng 6/2006.
Việc Mỹ tăng lãi suất cũng khiến Hồng Kông và Brazil tăng lãi suất. Điều này liệu có khiến các nước khác làm theo hay không, và liệu Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất lần nữa hay không, đã làm dấy lên sự chú ý của thế giới.
Tăng lãi suất có thể kiềm chế lạm phát không?
Joseph Stiglitz – người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, đã dội một gáo nước lạnh vào phương án này. Ông cho rằng: việc tăng lãi suất sẽ không làm giảm lạm phát mà chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và phá vỡ hành vi đầu tư. Trên thực tế, do sự kiện tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và các quốc gia khác lên xuống thất thường, cũng như dòng tiền nóng, giá trị đồng đô la Mỹ và các đồng tiền khác đang thay đổi nên vẫn chưa biết liệu lạm phát có thể được kiềm chế hay không. Tuy nhiên, các mối quan tâm khác đã được đặt ra, và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế lần lượt được nêu ra, thậm chí “lạm phát đình trệ” đáng sợ của những năm 1970 có thể sẽ lặp lại, âm thanh sầu lo đang dần dần vang dội.
Để tránh “lạm phát đình trệ” xuất hiện, một số chuyên gia cho rằng “bên cung” nên chủ động giải quyết. Các học giả tin rằng lạm phát này là một vấn đề từ phía cung, đặc biệt là do sự mất kết nối của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều sản phẩm bị thiếu hụt do cản trở xuất khẩu và chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao, đây là những nguyên nhân khiến giá cả tăng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã không truy tìm nguồn cung cấp để đối phó với lạm phát, mà lại áp dụng phương thức tăng lãi suất để giảm cầu. Việc áp dụng chính sách bên cầu như tăng lãi suất để giảm lượng giao dịch ngược lại càng dễ gây ra lạm phát đình trệ.
Đặc biệt, ngoài việc đối mặt với giá cả và lạm phát tăng cao, người dân Mỹ còn bị áp lực trả nợ gốc và lãi vì lãi suất tăng cao. Điều này sẽ chỉ có thể dẫn đến một loại tiêu dùng khác, và sau đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà sản xuất, cuối cùng đi vào một vòng luẩn quẩn.
Trên thực tế, bất kỳ sự thay đổi nào của giá cả sản phẩm đều là kết quả của sự lên xuống của cung và cầu về sản phẩm, khi cung vượt quá cầu thì giá sẽ giảm, ngược lại giá sẽ tăng. Nếu muốn giá cả một mực tăng lên, thì lượng cầu dư thừa trên thị trường phải tiếp tục tăng và lượng tiền phải tiếp tục tăng lên. Vì vậy, nếu muốn dừng lạm phát thì chính sách thu nhỏ tiền của chính phủ đương nhiên là hiệu quả nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, suy thoái và các chi phí khác có thể khó tránh khỏi!
Lạm phát thời hiện đại là do đâu?
“Lạm phát” không phải là sự tình mới mẻ, trong lịch sử nhân loại đã từng xuất hiện nhiều lần, chỉ là nhân loại không nhớ đến những bài học chính diện, mà chỉ nhớ đến những bài học phụ diện. Nhà triết học Friedrich Hegel sớm đã kết luận: “Bài học của lịch sử đối với nhân loại chính là không bao giờ rút ra được bài học nào từ lịch sử ”.
Đối với sự lặp lại của lạm phát, người đoạt giải Nobel kinh tế cuối năm 1976 M. Friedman đã nói với chúng ta ngay từ năm 1980 rằng: “Không chính phủ nào muốn nhận trách nhiệm gây ra lạm phát, ngay cả khi tác hại không quá lớn. Các quan chức chính phủ luôn tìm lý do để bào chữa như: các chủ xí nghiệp lòng tham không đáy, công đoàn đòi hỏi quá nhiều, người tiêu dùng lãng phí, Ả Rập thấy tiền liền sáng mắt, thời tiết ác liệt, hoặc những lý do xa vời không chút liên quan cũng được nêu ra.”
Không sai, các chủ xí nghiệp rất tham lam, các công đoàn đòi hỏi quá cao, người tiêu dùng không biết tiết chế, Ả Rập tăng giá dầu, thời tiết thường xuyên thất thường. Tất cả những điều này sẽ đẩy giá hàng hóa riêng lẻ tăng lên, nhưng không thể đẩy giá cả chung của nhiều loại hàng hóa khác nhau lên. Chúng có thể khiến lạm phát tăng hoặc giảm trong một thời gian ngắn, nhưng chúng không thể tạo ra lạm phát dai dẳng, vì không ai trong số các thủ phạm bị cáo buộc ở trên có máy in tiền để in ra rồi bỏ trong ví tiền của mình; cũng không ai trong số họ có thẩm quyền ghi vào sổ sách nhà nước số lượng tiền tương ứng được in thêm ra.
Friedman sau đó nói: “Trong thế giới hiện đại, lạm phát là một hiện tượng máy in tiền. Khi nhận thức rằng lạm phát trầm trọng là một hiện tượng tiền tệ thì mới chỉ là bước đầu của việc tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp đối phó với lạm phát. Còn vấn đề cơ bản là tại sao các chính phủ hiện đại lại tăng lượng tiền nhanh chóng như vậy? Tại sao họ lại tạo ra lạm phát khi họ đã biết hậu quả của nó?”
Henry Hazlitt, được biết đến là người phụ trách chuyên mục kinh tế quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 20. Ngay từ năm 1960, ông đã nói: “Không có cách chữa trị lạm phát, và chỉ có một cách duy nhất là ‘đừng có lạm phát! Một khi nó xảy ra thì phải ngăn chặn càng sớm càng tốt, không nên ảo tưởng rằng ‘lạm phát chậm là tốt’”.
Chúng ta nên làm gì để đối phó với lạm phát?
Đối với cá nhân, làm thế nào để đối phó với sự xuất hiện của lạm phát? Lưu Thái Anh, một nhà kinh tế cấp cao và kỳ cựu ở Đài Loan, trả lời rằng: “Không biết! Tự cầu phúc thôi!”. Tuy nhiên, Warren Buffett, 91 tuổi, nhắc lại lời khuyên lâu đời của mình vào ngày 30/4 /2022, đó là: “Một trong những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại lạm phát là đầu tư vào bản thân, nâng cao kỹ năng và cố gắng trở thành người xuất sắc trong lĩnh vực của bạn”. Ông nói thêm rằng, không giống như tiền tệ, “kỹ năng” là chống lạm phát. Nếu bạn có một kỹ năng mà một thị trường cần thì bất kể giá trị của đồng đô la là bao nhiêu, kỹ năng đó sẽ vẫn được chào đón.
Buffett nhấn mạnh: “Dù bạn có năng lực gì đi chăng nữa thì cũng không thể từ trên người bạn mà bị cướp đi. Những thứ này cũng không thể vì lạm phát mà biến mất khỏi người bạn…Cho đến nay, khoản đầu tư tốt nhất là phát triển kỹ năng của bản thân, mà đều này căn bản là không cần nộp thuế.”
Vào cuối cuộc Đại suy thoái năm 2009, Buffett, khi đó 78 tuổi, ông nói: “Cách tốt nhất là đầu tư vào bản thân”. Ông cho rằng đầu tư vào sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, đầu tư vào kho dự trữ kiến thức và rèn luyện kỹ năng của bản thân tương đương với việc đặt nền tảng để tạo ra nhiều của cải hơn trong tương lai.
Vào thời điểm đó, Buffett cũng nói rằng điều tốt nhất tiếp theo mà một người có thể làm là đầu tư vào một doanh nghiệp mà nó có thể tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu bất kể giá trị của đồng đô la. Ông trích dẫn Coca-Cola làm ví dụ, nói rằng: “Từ giờ cho đến mấy chục năm sau, mọi người sẽ vẫn muốn loại nước ngọt yêu thích của họ và lạm phát không ảnh hưởng đến quyết định của họ. Bởi vì mọi người vẫn sẽ trả tiền cho những sản phẩm mà họ yêu thích.”
Buffett cũng cảnh báo thế giới không nên lắng nghe những người tuyên bố có thể dự đoán đường đi của lạm phát. Ông nói: “Mọi người đều đang nói về lạm phát. Nhưng, vấn đề là bao nhiêu, đáp án là không ai biết. Không ai biết 10, 20 năm nữa lạm phát sẽ như thế nào.”
Những gì Warren Buffett nói là rất đúng, việc đầu tư vào bản thân và một công ty tốt không phải là điều bạn nên làm khi lạm phát đến, mà nên làm điều đó vào những thời điểm bình thường. Nếu tất cả mọi người đều làm được điều này, có thể trong tương lai vấn đề lạm phát sẽ không xuất hiện nữa!
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng khi lạm phát ập đến, người tiêu dùng có “chủ quyền tiêu dùng” và “tiết kiệm” là biện pháp hữu hiệu nhất để kiềm chế tăng giá. “Mở cửa thị trường” là một chiến lược tốt, chính phủ tuyệt đối không được “quản lý giá”!
Tác giả: Ngô Huệ Lâm
Tử Vi (Biên dịch từ The Epoch Times)