Nhằm đối phó với thực trạng bán tháo cổ phiếu, nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp đối phó, nhưng có vẻ chúng không hiệu quả lắm.
Luật mới từ cơ quan quản lý chứng khoán nước này là để giảm bớt áp lực trên thị trường chứng khoán.
BBC cho biết, giới đầu tư nắm hơn 5% cổ phần không được phép bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng, các biện pháp củng cố lòng tin đang được triển khai tối đa, các hãng môi giới chứng khoán được lệnh mua cổ phiếu vào, và nhà nước Trung Quốc hứa sẽ cấp đủ thanh khoản nhằm giữ giá cho thị trường.
Tuy nhiên, niềm tin vẫn đang bị bào mòn khi mà 500 công ty niêm yết hôm 8/7 đã ngưng giao dịch cổ phiếu. Khoảng 1300 công ty, tương đương với một nửa số cổ phần tại Trung Quốc, ngưng mua bán chứng khoán.
Trong khi thực trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc vẫn tiếp tục vào hôm Thứ Tư (8/7), với Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải sụt giảm 6.8%, khiến giá chứng khoán mất tới gần 30% giá trị so với mức đỉnh điểm hồi Tháng 6.
Chỉ trong vòng ba tuần, các sàn chứng khoán Trung Quốc đã bị mất giá trị tổng cộng hơn 3.200 tỉ USD, tương đương với hơn 10 lần GDP của Hy Lạp năm 2014.
“Lần đầu tiên, Ủy ban Giám sát và Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) thừa nhận rằng đã diễn ra bán tháo”, Chris Weston, chuyên gia chiến lược thị trường của IG nói và gọi đợt bán tháo này là “Thứ Tư Đen”.
Phóng viên AFP tại Thượng Hải đã trực tiếp chứng kiến cảnh hàng chục người ở lứa tuổi 70, đang căng thẳng và bất mãn theo dõi diễn biến của giá cổ phiếu trên màn hình tại một phòng giao dịch chứng khoán. Một người trong số họ tâm sự đã mất số tiền tương đương 1 triệu USD, cùng rất nhiều ảo tưởng.
Ông Gu Yongbiao nói: “Các doanh nghiệp và các định chế đã cướp hết tiền của chúng tôi. Chính chúng tôi, những người đầu tư cá nhân, đã lấy hết tiền của mình để trả cho họ!“. Ông Gu chơi chứng khoán từ 20 năm nay, sau khi rời khỏi một doanh nghiệp nhà nước. Người đàn ông này cho biết thêm, ở Thượng Hải, hầu như gia đình nào cũng có một người đầu tư vào chứng khoán.
Theo quan điểm của rất nhiều người, chính quyền Trung Quốc buộc phải can thiệp mạnh hơn để chấm dứt làn sóng rút vốn, và để tránh bất bình tăng vọt trong dân chúng.
John Sudworth, phóng viên BBC tại Thượng Hải đánh giá rằng, những nỗ lực ngưng hoảng loạn có thể sẽ làm người dân càng hốt hoảng thêm.
Chính phủ Trung quốc dường như bị chi phối bởi lo ngại về phản ứng dây chuyền đối với nền kinh tế vì giá chứng khoán sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý tiêu tiền của người tiêu dùng.
Theo BBC, Báo Mới