Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu dự kiến sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2026, tổng kinh phí ban đầu lên tới 33.000 tỷ đồng.
Với tham vọng thúc đẩy kinh tế miền Tây phát triển, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ngày 18/5, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu trong giai đoạn trước năm 2030.
Theo đó, quy mô giai đoạn 1 tuyến đường dài 225km, rộng 17 m gồm bốn làn xe với vận tốc 80km/h, có dải phân cách ở giữa… Tổng mức đầu tư trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, công ty với 100% vốn nhà nước này đã được Bộ Giao thông Vận tải giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và sẽ hoàn thành trong tháng 7. Dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục, công trình được khởi công vào năm 2024 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026.
Được biết, tuyến cao tốc bắt đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu.
Theo ông Thi, cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu có nhiệm vụ phát triển giao thông ở miền Tây, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, dự án góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ; kết nối giữa các vùng và nước bạn Campuchia cũng như khu vực Đông Nam Á.
Đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu quốc tế Xà Xía (TP Hà Tiên, Kiên Giang) với quốc lộ 1A, tuyến đường N1.
Đồng thời, cao tốc sẽ kết nối với hai cao tốc trục dọc Bắc – Nam phía Đông là TP HCM – Trung Lương – Cần Thơ và cao tốc Bắc – Nam phía Tây là Bình Phước – TP HCM – Long An – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang.
Trước đó, một dự án 30.000 tỷ khác là cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng là tuyến cao tốc trục ngang ở đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ tướng phê duyệt hoàn thành trong giai đoạn trước năm 2030, cũng đã được lên kế hoạch.
Theo đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị thực hiện quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư. Công ty Jinwoo Engineering Korea (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Công trình 625 tư vấn nghiên cứu lập dự án.
Các dự án nhỏ hơn dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 gồm An Hữu – Cao Lãnh dài hơn 28km, qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, kinh phí thực hiện hơn 5.500 tỷ đồng; Mỹ An – Cao Lãnh dài 26km có vốn 4.500 tỷ đồng, kết nối với tuyến Cao Lãnh – Kiên Giang trong trục cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Ngoài ra, miền Tây hiện có nhiều cao tốc đang xây dựng, như tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi dài hơn 51km, kinh phí hơn 6.300 tỷ đồng, sẽ thông tuyến cuối tháng 9. Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài hơn 51km, với vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dự kiến thông tuyến cuối năm nay. Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ 23km, kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 10 và thông tuyến cuối năm sau.
Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển đường cao tốc ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Ngoài giá thành cao hàng đầu thế giới ra, chất lượng các dự án này cũng không bảo đảm. Điển hình như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng nhưng đã hư hỏng. Một số lãnh đạo dự án này đã bị bắt, khởi tố.
Từ Thức (t/h)