Giữa cơn bão tài chính đồng rúp đang chao đảo theo đà nhảy múa của đồng đô la, thế giới nín thở theo dõi từng động thái trong quan hệ với láng giềng Ukraine, nước Nga vẫn đẹp thanh bình và hồn hậu.
Giữa cơn bão tài chính đồng rúp đang chao đảo theo đà nhảy múa của đồng đô la, thế giới nín thở theo dõi từng động thái trong quan hệ với láng giềng Ukraine, vẫn đẹp thanh bình và hồn hậu.
Sang thăm nước Nga vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, được chứng kiến lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Đỏ, được thấy người Nga yêu nước và tự hào về Tổ quốc và những năm tháng chiến tranh vệ quốc càng thấy sự vĩ đại mà hồn hậu của nước Nga. Càng thấy thêm chia sẻ và thấu hiểu với tình cảm của hơn 150.000 bà con ta đang sinh sống và làm ăn, học tập tại Nga, nơi mà họ đã coi là quê hương thứ hai, nơi đã cưu mang cả quãng đời của những người Việt xa xứ.
“Đắt như nhà ở Mát”
Nằm tại địa chỉ Nhà 146, đại lộ Yaroslavskoe, TP.Moscow, chỉ cách sân bay Sheremetyevo 20 phút chạy xe hơi, Tổ hợp trung tâm văn hóa – thương mại Hà Nội – Mátxcơva đã trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội tại Moscow, là địa điểm thân thuộc cho nhiều đoàn khách từ VN sang. Đây cũng là khu dân cư hiện đại sang trọng đang được bà con người Việt tại đây lựa chọn làm nơi an cư.
Được khởi công xây dựng từ ngày 10.5.2010 với tổng vốn đầu tư 190 triệu USD do Công ty cổ phần đầu tư INCENTRA.SJC làm chủ đầu tư, đến nay trung tâm đã đưa vào sử dụng. Trung tâm ra đời đã đáp ứng nhu cầu về nơi ở và kinh doanh cho bà con người Việt tại Nga sau khi các địa điểm kinh doanh tự phát như “ốp” Zil, Búa liềm, Đôm 5 cũ hay chợ Vòm bị đóng cửa. Tận mắt đi thăm trung tâm khi các gian hàng kinh doanh đang được cả các chủ hộ kinh doanh Nga và Việt lấp đầy, đại siêu thị Magnit, một thương hiệu bán lẻ lớn của Nga, đã thuê mặt bằng đang bắt đầu hút khách và chính sách hỗ trợ tỷ giá rúp – USD, giảm giá cho thuê mặt bằng đang tạo ra sức hấp dẫn, có vẻ như một tiềm năng đang được khai mở.
Với giá 3.800 USD/m2, một căn hộ tại đây có giá cả 5-7 tỉ đồng, người viết bài này đã phàn nàn: “Đắt như nhà ở Mát”. Nhưng khi được xem thêm các tiện ích như an ninh, trường học, khu vui chơi trẻ em, sân tập tennis, bể bơi, các câu lạc bộ sở thích, phòng khám chữa bệnh, mát xa trị liệu… thì có vẻ giá này khá mềm so với các khu khác tại Moscow.
Chị Lý, quê Hà Nam hồ hởi tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, khoe từng phòng và các thiết bị nội thất xinh xắn tự tay chị trang bị cho căn nhà mới, chị kể: “Về đây vợ chồng em mới dám mua sắm đồ đạc tiện nghi thế này. Mua được căn hộ mới yên tâm làm ăn, hết cảnh vất vưởng thuê nhà, lo mất tiền, mất an toàn cho cả gia đình”.
Đặc biệt điều làm nhiều người xúc động là tại tầng trên cùng của trung tâm là Phật đường uy nghiêm và yên tĩnh, nơi những người lớn tuổi có thể hương khói thờ Phật ngày sóc vọng, tổ chức các nghi lễ tâm linh của người Việt. Ngoài khuôn viên trung tâm hiển hiện rạng rỡ ngôi chùa Một cột phiên bản tỷ lệ 1:1 như tại thủ đô Hà Nội. Như một đóa sen vươn lên mạnh mẽ và tỏa hương nơi xứ bạch dương lạnh lẽo, như tinh thần của người Việt nơi đây và là biểu tượng văn hóa, tâm linh ấm áp của Hà Nội giữa lòng Moscow.
Những người con xa xứ
Gặp PGS-TS nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người cha đã gắn bó cuộc đời với nước Nga chỉ với mục đích tìm lại cô con gái yêu thương đã thất lạc hơn 20 năm trước. Tóc đã bạc trắng đầu nhưng anh vẫn luôn là cầu nối cho các bạn văn, báo giữa Việt và Nga, vừa xuất bản cuốn sách Mưu sinh kể về những mảnh đời nơi đất khách, vẫn đang đau đáu với dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga cùng các cộng sự.
Viết sách, dịch sách, làm thơ, giúp vợ làm kinh tế vẫn nghèo, vẫn lái chiếc xe cà tàng hiên ngang đi cạnh những Mercedes, Bentley… siêu sang đưa bạn báo đi khắp Moscow với những thông tin số liệu chính xác đến kinh ngạc về từng con phố, bảo tàng, nhà thờ, đài tưởng niệm đến cả nghĩa trang thành phố… Điều níu giữ anh ở lại nước Nga lạnh lẽo chính là vì anh tin nhà tiên tri mù Vanga nói rằng anh sẽ tìm thấy con gái mình.
Anh tâm sự buồn, mình đã tìm hết cách, nhờ nhà ngoại cảm ở VN nói rằng con gái anh đã lưu lạc sang Macau, anh cũng đã tìm sang đúng cái ga tàu, góc phố với các dấu hiệu theo chỉ dẫn chờ cả tuần lễ cũng chưa có thông tin gì. Anh vẫn sẽ chờ và tiếp tục tìm con với bất cứ manh mối nào, chẳng dám hỏi thêm vào nỗi đau vốn đã chẳng thể nguôi ngoai của anh nữa.
Gặp vợ chồng Phượng Vân, cô bạn học chung năm đầu đại học giờ đã thành đạt nơi xứ người. Cô bạn bé nhỏ, đen nhẻm quê huyện nghèo Lập Thạch, Vĩnh Phú con nhà nghèo đành bỏ dở việc học đi làm công nhân dệt bên nước Nga xa xôi. 30 năm ở lại xứ người với biết bao những giọt nước mắt nhớ bầm, những ngày lao động vất vả trong băng tuyết mùa đông, biết bao cái tết xa quê nhớ nhà… nay đã trở thành ông bà chủ của các chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng tại thành phố Tchaikovsky có vài chục nhân viên làm thuê chủ yếu là người Nga. Phượng Vân đã có của ăn, của để đầu tư cả bên Nga và trong nước, dành thời gian đi du lịch Dubai, Ai Cập, Tây Ban Nha, chăm lo, nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi và lễ phép đáng yêu.
Rồi vợ chồng Kiên Oanh, Tuấn Anh Hà, những ông bà chủ lớn của chợ Chim, chợ Liu của người Việt tại Nga, những người bạn mới quen mà sao đáng mến bởi sự tảo tần, bởi đầu óc kinh doanh giỏi và tấm lòng gắn kết người Việt.
Mỗi con người, một số phận, một cách lựa chọn cuộc sống cho mình nơi xứ lạ nhưng vẫn một tấm lòng, vẫn những tâm sự trăn trở về những tồn tại của đất nước, vẫn đau đáu nỗi niềm cho Tổ quốc có nhiều đổi thay.
Thục Yến |
Theo Thanh Niên