Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố số tăng trưởng kinh tế của nước này trong quí 1/2016 là 6,7%. Giới chuyên gia am hiểu về kinh tế Trung Quốc lập tức nêu ra sự hoài nghi và lượng định khác.
Nhiều người đã từng nêu vấn đề về tính chất bất khả tín của thống kê Trung Quốc. Mới đây, lãnh đạo Trung tâm Trung Quốc của Evercore ISI, tổ chức tư vấn cho các ngân hàng đầu tư, ông Donald Straszheim cho là thống kê vừa qua của Bắc Kinh không có thông tin gì mới.
“Chẳng những Cục Thống kê không thèm trả lời các câu hỏi của chúng tôi mà còn báo rằng chỉ phổ biến số tăng trưởng tổng hợp chứ không phân giải từng thành phần. Nếu không có từng thành phần của đà tăng trưởng thì làm sao cộng ra con số tổng hợp? Nếu họ có thì tại sao lại không công bố?”, ông Donald Straszheim nêu thắc mắc rồi kết luận: Chẳng cần là nhà bác học thì cũng có thể thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế “cũ”, chuyên về ráp chế, nằm gần số 0 chứ chẳng thể là 6.7%. Vì thiếu dữ kiện từ tư doanh, người ta khó tính ra sản lượng của khu vực dịch vụ.
Học giả Derek Scissors của American Enterprise Institute vạch ra mâu thuẫn của các số liệu kinh tế Trung Quốc: Tân Hoa Xã báo cáo rằng lượng hàng vận chuyển bằng tàu lửa giảm 15,6% quy ra toàn năm, vậy mà thống kê về sản lượng công nghiệp lại tăng 6,2%. Chẳng lẽ hãng xưởng sản xuất rồi chất đống dưới đất mà khỏi chở đi nơi khác? Ông ước tính đà tăng trưởng thực tế còn thấp hơn 4%.
Gary Shilling, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế A. Shilling and Co. từ nhiều năm trước đã tiên đoán sự sa sút kinh tế của Trung Quốc trước sự hoài nghi của nhiều người. Lần này ông phát biểu rằng không ai biết sự thật là như thế nào, nhưng khi tìm hiểu sâu xa hơn vào các dữ kiện khó kiếm, chẳng hạn như lượng hàng vận tải qua thiết lộ (tàu lửa), lượng than và điện tiêu thụ, doanh nghiệp của ông ước tính đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ ở khoảng 3% chứ không thể gần với 7%.
Tỷ phú Wilbur Ross là nhà đầu tư chuyên mua các doanh nghiệp lâm nạn, tái cấu trúc và tổ chức lại để bán ra tiền. Ông cũng dùng các dữ kiện về vận tải, về nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất như xi măng, thép, than, điện, để ước tính sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ ở mức 4% mà thôi.
Tại sao thông tin kinh tế của Trung Quốc lại có vấn đề? Trước hết, vì sao ngày nay người ta mới ngạc nhiên về sự sa sút kinh tế của Trung Quốc? Chỉ vì trong một giai đoạn khá lâu đến hai chục năm, quốc tế đã sai lầm khi đánh giá kinh tế Trung Quốc. Sau đây là bảy nguyên nhân đáng kể nhất.
Thứ nhất, quốc tế thiếu am hiểu địa dư hình thể Trung Quốc nên không thấy nước có ba nền kinh tế khác biệt trên một lãnh thổ rộng lớn bằng lãnh thổ Mỹ, chứ không chỉ có vùng duyên hải là nơi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư để kiếm tiền. Họ không nhìn ra thực tế nghèo nàn lạc hậu của một khu vực bát ngát bên trong.
Thứ hai, quốc tế không hiểu rõ và đánh giá sai mâu thuẫn rất lớn và thật ra cũng rất cổ điển giữa trung ương và địa phương nên không thấy rằng vì lý do chính trị cải cách là điều rất khó.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đầu tư che giấu sự thất bại của họ mà cố quảng cáo về triển vọng Trung Quốc với các thân chủ ủy thác tiền đầu tư vào nước này. Loại gian ý như vậy không phải là hiếm nếu chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chính sau khi thị trường địa ốc Mỹ bị bể bóng cách nay 10 năm.
Thứ tư, nhiều trung tâm nghiên cứu không dám nói thẳng về sự thật vì sợ phản ứng của lãnh đạo Bắc Kinh khiến họ khó ra vào Trung Quốc để trở thành “chuyên gia về Trung Quốc”.
Thứ năm, trong số này, không thiếu gì người thực tình tin vào lý luận tuyên truyền của Bắc Kinh, vì vậy, số liệu giả tạo của Trung Quốc cứ được họ loan truyền mà khỏi kiểm chứng. Và truyền thông nông cạn lại tin vào sự khách quan của họ.
Thứ sáu, khá rắc rối và chuyên môn, giới học giả Mỹ và châu Âu thiếu kiến thức về kinh doanh và về kế toán nên chẳng thấy nạn sản xuất dư thừa không là tăng sản lượng mà chỉ là chất lên tồn kho ế ẩm được tài trợ bằng một núi nợ. Họ không tin rằng Trung Quốc mắc nợ nhiều như vậy trong khi vẫn sản xuất từng núi hàng vô dụng, những trung tâm thương mại vắng khách, nhiều khu vực gia cư sụt giá từ mấy năm nay.
Sau cùng, rất nhiều trí thức thiên tả phương Tây luôn luôn tin tưởng vào vai trò của nhà nước. Họ tưởng là vì nhà nước Bắc Kinh có toàn quyền nên có khả năng quản trị cao hơn nhà nước phương Tây. Những vụ khủng hoảng tài chính tại châu Âu hay tranh luận chính trị tại Mỹ càng củng cố lập luận sai lầm này của giới trí thức khuynh tả. Đa số truyền thông cũng thiên tả nên có sự đánh giá thiên lệch mà không biết!
Về kinh tế chính trị học Trung Quốc, chúng ta cần hiểu ra hiện tượng tập trung/tản quyền, thi đua và tranh giành ảnh hưởng giữa từng địa phương với nhau và giữa trung ương với các đảng bộ địa phương.
Cục Thống kê Quốc gia ở trung ương tổng hợp các số liệu của bộ máy thống kê của họ trải sâu xuống dưới để có tổng sản lượng kinh tế toàn quốc. Con số ấy luôn luôn thấp hơn tổng sản lượng của tất cả 31 tỉnh thành trên cả nước, thấp hơn từ 500 tỷ đến 900 tỷ USD, nên người dân mới mỉa mai rằng trung ương quên mất nhiều tỉnh! Chỉ vì các tỉnh đều tự động nống thêm thành quả của mình trong các báo cáo đưa lên trên.
Sự thật còn trầm trọng hơn vậy vì hiện tượng “loạn sứ quân” qua thống kê kinh tế và xã hội giữa đảng ủy các tỉnh, thành và trung ương.
Dưới con số lạc quan không chỉ có sự sai biệt về thống kê mà còn có nhu cầu tranh đoạt quyền lực và hậu quả là tập quyền hay tản quyền. Các tỉnh duyên hải miền Đông và miền Nam đều hướng ra ngoài và trình bày hình ảnh tô hồng để cho thấy chiến lược xuất khẩu là có kết quả về kinh tế và xã hội và để tranh thủ phương tiện cho tỉnh nhà. Các tỉnh nằm sâu bên trong thì chỉ còn một nguồn lợi về thuế khóa và lợi tức cho cán bộ là đất đai. Họ cướp đất của dân và làm giàu cho mình. Khi dân chúng biểu tình đánh lộn với công an thì trung ương mới chưng hửng!
Vì vậy, Tập Cận Bình mới tập trung quyền lực về trung ương để chuyển hướng mà không xong. Vấn đề trong thống kê của Trung Quốc không chỉ về kinh tế.
Theo danviet.vn