Tinh Hoa

Chủ tịch tương lai của Uỷ ban về Trung Quốc: ‘Tik Tok là thuốc phiện kỹ thuật số’

“Tik Tok gây nghiện và có sức tàn phá cao. Và chúng tôi cũng đang thấy dữ liệu đáng lo ngại về tác động xấu của mạng xã hội này khi sử dụng liên tục, đặc biệt là đối với thanh niên và phụ nữ Mỹ”, đại diện Đảng Cộng hòa Mike Gallagher của tiểu bang Wisconsin, Chủ tịch sắp tới của Ủy ban về Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, nói.

Tik Tok cũng là ‘digital fentanyl‘ (tạm dịch: Thuốc phiện kỹ thuật số) theo đúng nghĩa, và cũng bởi vì nó “thực sự có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, ông Mike Gallagher cho biết thêm.

Dân biểu Mike Gallagher. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Nhận định trên được ông Mike Gallagher phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet The Press” của đài NBC hôm 01/01/2023.

Nhà lập pháp giải thích thêm về những lo ngại của ông trước mối đe dọa mà ứng dụng của Trung Quốc, vốn đã trở nên phổ biến, sẽ áp đặt lên người dùng Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, công ty mẹ của Tik Tok – Bytedance – nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.

“Tôi lo ngại về khả năng [Tik Tok] theo dõi vị trí của bạn, theo dõi số lần gõ phím của bạn, theo dõi những trang web bạn đang truy cập, ngay cả khi bạn không sử dụng ứng dụng này”, ông Mike nói và cho biết những thông tin được Tik Tok thu thập ở trên sẽ giúp chính quyền Trung Quốc “biên soạn hiệu quả các hồ sơ chứa đầy dữ liệu của chúng ta”.

“Tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch xung quanh thuật toán, thứ đang khiến trẻ em nghiện [ứng dụng Tik Tok]”, ông Mike nói thêm.

Ông Mike cho biết, Tik Tok đang trở nên “cực kỳ nguy hiểm” vì nó có thể hoạt động như một kênh cho các hoạt động gây ảnh hưởng xấu. “Điều nguy hiểm nhất là ngày càng nhiều nam nữ thanh niên ở Mỹ chuyển sang sử dụng Tik Tok để lấy tin tức, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ bắt đầu kiểm duyệt tin tức? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ bắt đầu điều chỉnh thuật toán để xác định những gì ĐCSTQ cho là phù hợp để công khai?”, ông đặt câu hỏi

‘Tik Tok là thuốc phiện kỹ thuật số’. (Ảnh: Getty Images)

Nghị sĩ Mike tin rằng, một kịch bản như vậy sẽ tương đương với việc Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) (một cơ quan tình báo của Liên Xô) và tờ báo Pravda của Nga từng mua chuộc The New York Times cùng nhiều tờ báo lớn khác trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

“Điều đó cực kỳ nguy hiểm. Điều đó giống như sự kiện diễn ra vào năm 1958, khi chúng ta đã cho phép KGB và tờ Pravda mua chuộc tờ The New York Times, Chicago Tribune và The Washington Post. Điều đó thực sự có thể nhấn mạnh mối đe dọa. Tôi cho rằng, đó là một mối đe dọa đa hướng mà chúng ta cần xem xét”, ông nhấn mạnh.

Ông nói: “Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, liệu chúng ta có muốn ĐCSTQ kiểm soát những gì đang trên đà trở thành công ty truyền thông quyền lực nhất ở Mỹ hay không”.

Xuất khẩu mô hình kiểm soát toàn trị kỹ thuật số

Ông Mike đã viện dẫn báo cáo năm 2019 của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), trong đó cáo buộc Tik Tok kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về mặt chính trị đối với Bắc Kinh. 

Các nội dung kiểm duyệt bao gồm cả lệnh cấm một số tài khoản đăng tải về các trại giam tập thể ở khu vực Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng, có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại lao động tập thể ở Tân Cương.

“Điều đó được phô bày một cách trắng trợn và đồi bại nhất ở tỉnh Tân Cương, nhưng nó lại được ủng hộ trên khắp cả nước”, ông nói thêm.

Ông chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu kiểm duyệt ở mức cao nhất đối với các cuộc biểu tình nổ ra trong quần chúng với quy mô chưa từng có để phản đối chính sách Zero Covid hà khắc. Đồng thời, ĐCSTQ cũng tăng cường hạn chế các công cụ vượt tường lửa để kiểm duyệt tin tức.

“Họ đang sử dụng nó [công nghệ] để dập tắt các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc hiện nay”, ông Gallagher nói.

Ông cho biết chế độ này khai thác công nghệ để thực hiện toàn quyền kiểm soát đối với công dân của mình và mô tả sự kiểm duyệt của ĐCSTQ là một “mô hình kiểm soát toàn trị kỹ thuật số”.

Nhà lập pháp tin rằng, ĐCSTQ sẽ nhân rộng mô hình độc tài của mình ở các nước khác.

“Cuối cùng, tôi cho rằng đó là một mô hình sẽ không tồn tại ở Trung Quốc. Họ sẽ xuất khẩu mô hình này ra khắp thế giới”, ông nói.

Nỗ lực lưỡng đảng Mỹ trong việc ngăn chặn Tik Tok

Ông Mike đã ca ngợi những người đồng nghiệp của mình tại Thượng viện Mỹ vì đã thông qua lệnh cấm nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc trên các thiết bị của chính phủ. Ông bày tỏ hy vọng rằng, Hạ viện sẽ làm theo và mở rộng lệnh cấm trên toàn quốc.

Ông viện dẫn dự luật của mình, do Dân biểu Raja Krishnamoorthi đồng tài trợ, trong đó sẽ cấm Tik Tok hoạt động ở Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh rằng cần có nỗ lực lưỡng đảng để giải quyết vấn đề.

“Tôi không cho rằng vấn đề này mang tính đảng phái. Tôi muốn làm việc với họ [Đảng Dân chủ]. Và tôi nghĩ rằng cuộc bỏ phiếu của Thượng viện mà chúng ta đã đề cập trước đó là bằng chứng cho thấy đây không phải là vấn đề mang tính đảng phái”, ông nói.

Ông Mike ủng hộ ý tưởng bán Tik Tok cho một công ty Mỹ mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đề xuất trước đó.

Vào tháng 08/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để ra lệnh cho công ty mẹ của Tik Tok ở Trung Quốc thoái vốn tài sản tại Hoa Kỳ trong 90 ngày.

Một số ông trùm công nghệ, bao gồm Microsoft và Oracle, được cho là đang đàm phán về thỏa thuận vào thời điểm đó.

“Vì vậy, vấn đề nằm ở chi tiết, nhưng tôi sẵn sàng thảo luận điều đó với Tik Tok”, ông Mike nói.

Ông Mike cũng đề xuất một cách tiếp cận có qua có lại và lưu ý rằng, các quan chức Trung Quốc được phép sử dụng các ứng dụng của Hoa Kỳ như Twitter, nhưng công dân Trung Quốc bị tước quyền truy cập vào các ứng dụng đó:

“Nếu chính phủ của bạn không cho phép bạn truy cập vào nền tảng, chúng tôi sẽ từ chối các quan chức chính phủ của bạn truy cập vào cùng một nền tảng đó. Tôi nghĩ đó sẽ là một bước hữu ích… không chỉ áp dụng cho Trung Quốc mà còn cho cả Nga”.

Theo NTDVN