Tinh Hoa

Chủ tịch Q.Gò Vấp, TP.HCM: Người dân tạm thời được đi lại bình thường, phải khai báo y tế

Trước thắc mắc của người dân trong và ngoài quận Gò Vấp (TP.HCM) về việc đi lại, sinh hoạt và làm việc thế nào trước lệnh phong tỏa, trưa 31/5, Chủ tịch quận Nguyễn Trí Dũng cho biết, quận tạm thời cho người dân đi qua bình thường các chốt kiểm soát, nhưng phải khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, theo Vietnamnet.

Người dân tập trung đông trước chốt kiểm soát đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp sáng nay (31/5). (Ảnh qua Vietnamnet)

Trước đó, toàn TP.HCM đã giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5 theo Chỉ thị 15/2020; Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) cũng bị phong tỏa 15 ngày theo Chỉ thị 16/2020.

Hiện tại, quận Gò Vấp đã rà soát lại toàn bộ quy định, đồng thời đưa ra phương án thống nhất về việc kiểm soát người và phương tiện vào/ra quận.

Theo báo Thanh Niên, tối hôm qua (30/5), ông Dũng cho biết, kể từ 0 giờ ngày 31/5, các lực lượng chức năng của quận sẽ làm nhiệm vụ tổ chức các chốt kiểm soát. Mục đích không phải là để ngăn cản giao thông mà là để đảm bảo phương tiện qua lại là những phương tiện được phép. Nếu phương tiện nào không phải dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu thì không được dừng đỗ trên địa bàn quận.

Trả lời câu hỏi của người dân về việc người dân sinh sống ở Q.Gò Vấp có được “sáng đi chiều về” hay không?, ông Dũng khi ấy cho biết mục đích của giãn cách xã hội chính là để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh nên người dân tạm thời ở nhà. Chỉ có người dân thuộc lĩnh vực thiết yếu, quan trọng như lực lượng vũ trang, y tế và thực thi công vụ theo quy định thì được phép đi lại.

Đồng thời, khuyến cáo trong thời gian giãn cách, người dân không ra ngoài khi không cần thiết, chỉ di chuyển để thực hiện các nhu cầu cần thiết.

Sáng 31/5, ngày đầu tiên quận Gò Vấp tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, theo ghi nhận tình trạng nhiều xe cộ ùn ứ, tập trung đông tại chốt Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị. 

Nhiều người lo ngại khi vào quận thì đến chiều có về được không, nên phân vân chưa dám qua, có nhiều người chọn cách quay đầu xe, xin nghỉ việc tạm thời.

Nói về vấn đề này, ông Dũng cho biết, người dân được ra ngoài khi làm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…).

Làm việc tại các cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất – nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…

“Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch rất căng thẳng, có khả năng lây lan cao. Do vậy, quận khuyến cáo những người dân được ra ngoài đi làm cũng nên cân nhắc việc đi lại. Nếu có thể làm việc tại nhà thì tốt, hạn chế ra ngoài”, ông Dũng nói.

Yên Yên (t/h)