Sau 5 ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị can Lê Xuân Giang (Cựu Chủ tịch Công ty Liên Kết Việt) mức án chung thân, đồng thời phải bồi thường hơn 300 tỷ đồng cho các bị hại, cháu ruột của bị cáo này cũng nhận mức án 17 năm tù giam.
Theo Vnexpress, vào chiều 25/12, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (viết tắt là Công ty Liên Kết Việt).
Theo đó, tòa tuyên Lê Xuân Giang (SN 1971, Chủ tịch HĐQT công ty Liên Kết Việt), mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lê Văn Tú (SN 1985, tổng giám đốc, cháu ruột của Giang) bị phạt 17 năm tù, Nguyễn Thị Thủy (SN 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) 18 năm tù.
Bốn bị cáo còn lại là Lê Thanh Sơn (SN 1988), Trịnh Xuân Sáng (SN 1975) đều lãnh 16 năm tù, Nguyễn Xuân Trường (SN 1967) 14 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung (SN 1974) 13 năm tù.
Về dân sự, tòa buộc bị cáo Lê Xuân Giang phải bồi thường gần 300 tỷ đồng cho hơn 5.800 bị hại (đã xác định được thông tin, địa chỉ); đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự với các bị hại còn lại của vụ án. Sáu đồng phạm của Giang phải liên đới bồi thường số tiền còn lại.
HĐXX nhận định cựu Chủ tịch Lê Xuân Giang đã cùng 6 đồng phạm lôi kéo 68.000 người đầu tư đa cấp, để chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ đồng của họ. Trong đó, bị can Giang là chủ mưu, chiếm hưởng phần lớn số tiền thu lợi phi pháp nên phải nhận mức án cao nhất trong vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2004, bị can Lê Xuân Giang đã thành lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, chuyên sản xuất máy khử độc ozone, thực phẩm chức năng.
Năm 2010, bị cáo Giang tiếp tục thành lập Công ty Liên Kết Việt, xin cấp giấy phép kinh doanh đa cấp các sản phẩm của BQP.
Đến tháng 3/2013, Giang chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của BQP dòng chữ ‘Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng’, dù không có liên quan gì đến đơn vị này.
Thực tế, cơ quan điều tra xác định, các giấy xác nhận đều do ông Giang tự soạn thảo nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ. Chiêu này cũng được áp dụng để lừa đảo, quảng bá cho hàng loạt thực phẩm chức năng là sản phẩm ‘liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học’ với các bệnh viện quân đội tuyến trung ương.
Từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và các bị cáo lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
Sau đó, bị cáo Giang nhờ làm giả bằng khen của Thủ tướng và triển khai loạt chương trình, đưa ra những khoản khuyến mại lớn, thưởng ôtô, căn nhà…
Các bị cáo lôi kéo khách nộp tiền, hứa hẹn không cần mua sản phẩm vẫn có thể trở thành nhà phân phối, được trả hoa hồng cao thông qua 15 chương trình khuyến mại.
Tính đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng, qua đó chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Đến nay, trong tổng 68.000 người bị hạ trên toàn quốc, cơ quan chức năng mới chỉ xác định được 6.053 bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 391 tỷ đồng.
Vũ Tuấn (t/h)