Bán ở chợ hoa xuân Đà Nẵng đã là năm thứ 17 nhưng chưa có năm nào ế ẩm như năm nay. Đợt này, vườn nhà mình “chở ra bao nhiêu thì chở về bấy nhiêu” là chia sẻ của anh Bùi Văn Trung (ngụ phường Tân An, TP. Hội Anh, Quảng Nam).
Theo ghi nhận của phóng viên vào khoảng 17 giờ chiều 30 Tết, so với những ngày đầu họp chợ thì ở quanh khu vực tập trung hoa mai Phú Yên, Bình Định, quất Hội An (Quảng Nam) vẫn còn hơn 60 % số lượng cây, chậu cảnh.
‘Đại hạ giá mà cũng không ai mua’
“Nếu chậu quất 5 đến 6 năm tuổi ở những năm trước bán tầm 1,5 triệu đến 2 triệu thì giờ tới cuối ngày hạ giá chừng vài trăm để bán. Mong bán rẻ ít chậu để bù ít công chuyên chở, vận chuyển, bốc vác, xe cộ đường về mà thấy cũng khó quá”, anh Trung ngán ngẩm chia sẻ thêm.
“Ế lắm, người ta chỉ xem và trả giá thôi chứ không mua” và “Chưa có năm nào ế như năm này”… là điệp khúc buồn ở chợ hoa xuân Canh Tý Đà Nẵng 2020.
Ông Nguyễn Đình Hùng (trú đường Lý Thái Tổ, Hải Châu, Đà Nẵng), một trong những người vận chuyển cây cảnh thuê ở chợ hoa xuân Đà Nẵng cũng lây nỗi buồn ảm đạm này.
‘Người đến chợ hoa để chụp hình, nhìn ngắm, trả giá là chính…’
Ông nói rằng người ta bây giờ đến chợ hoa chủ yếu để chụp hình, nhìn ngắm, trả giá chứ mua chẳng bao nhiêu. Cả 3 ngày qua mà ông chỉ chạy được có 2 cuốc chở mai. Giờ người ta không chơi hoa, không chịu khó chi tiền cho hoa cảnh nữa.
Cùng với hoa mai, hoa đào, quất cảnh thì họ hàng nhà cúc cũng trải qua một phiên chợ cuối năm khá ảm đạm. Không riêng gì cúc ở chợ hoa xuân Đà Nẵng mà trên nhiều tuyến đường khu vực làng cúc Bình An, Hòa Vang, các nhà vườn cũng ‘khóc ròng’ vì ế.
“Bán chưa được một nửa thì coi như lỗ vốn trồng cả năm, coi như chẳng có Tết nữa”, một nhà vườn trồng cúc ở Bình An (Q.Hải Châu) tâm sự.
Chợ hoa xuân Canh Tý Đà Nẵng giờ đây không còn cảnh nhà vườn, thương lái ứa nước mắt đập chậu khi hoa rớt giá sát giờ giao thừa nhưng cảnh dọn dẹp tan chợ trong ráng chiều của một phiên chợ ế ẩm cuối năm cũng khiến nhiều người chứng kiến không khỏi chạnh lòng…
Không chỉ Đà Nẵng có mà đây dường như là nỗi niềm chung của đa số người bán hoa dịp Tết trên cả nước. Sự chán nản, buồn bã hiện rõ trên gương mặt của các tiểu thương trong chợ hoa Xuân ở Hòa Bình, Quảng Ninh… cùng những lời rao bán hạ giá, xả hàng về ăn Tết khiến ai cũng phải nao lòng…
Chặt đào, phá quất chiều 30 Tết…
Anh Thắng, một tiểu thương kinh doanh quất cảnh ở khu vực Quảng trường Thành phố Hòa Bình buồn bã cho biết, từ đầu giờ chiều 30 Tết, nhiều người bán đào, quất đã phải hạ giá bán xuống mức thấp nhất, nhiều cây quất nhỏ để bàn chỉ bán với giá 10.000 đồng/ cây cũng không ai mua.
Những loại cây quất đẹp, to, tạo kiểu có giá vài trăm, đến vài triệu đồng mấy ngày trước giờ hạ xuống còn 100.000 đồng/ cây cũng chịu cảnh tương tự.
“Chúng tôi đã phải hạ giá, cắt lỗ để bán cho hết đào, quất nhưng đến giờ vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, nhiều người dân đến tìm mua đào, quất vào chiều 30 Tết vẫn còn cò kè, bớt giá khiến nhiều người kinh doanh rất buồn. Thậm chí, một số người đã phải chặt bỏ quất…”, anh Thắng tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, các tiểu thương cho rằng giá thành cao, trong khi cây không quá to, nụ không có nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân thờ ơ với đào, mai…
Trong khi đó, chị Nguyễn Vân Anh (40 tuổi, ngụ tại phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long), một khách mua đào cũng chia sẻ: “Nhìn chung năm nay giá đào, mai cao gấp đôi năm ngoái, trong khi tình hình kinh tế khó khăn, nên tôi cũng không dám bỏ ra khoản tiền lớn để mua đào lớn về chơi mà chỉ mua cành nhỏ về bày Tết”.
Riêng anh Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho biết, những ngày đầu đào, quất có giá bán rất cao tuy nhiên đến cuối ngày 29 và 30 Tết thì giá sẽ giảm đi rất nhiều. Vì nhà cũng không khá giả là mấy và không quá coi trọng về dáng của cây nên anh thường chọn thời điểm gần Tết mới bắt đầu đi mua để được giá rẻ…
Xuân Hạ (t/h)