TTO – Nhiều bà mẹ cho biết họ thấy sợ thật sự khi xem video clip “Những hiểm họa của truyền thông xã hội” do Coby, một chàng trai 21 tuổi thực hiện với kết quả 100% bé gái đều dễ dàng bị “dụ”.
Coby đã tạo một tài khoản giả trên Facebook, mạo danh mình là một cậu bé 15 tuổi tên Jason và kết bạn với 3 bé gái từ 12 đến 14 tuổi với sự đồng ý của phụ huynh các em. Coby sau đó đã nói chuyện online với các em trong ba đến bốn ngày, sau đó hẹn gặp mặt trực tiếp bên ngoài. Các cuộc hẹn này đều có phụ huynh các em bí mật đi theo. Tất cả các bậc phụ huynh tham gia thử nghiệm này đều nghĩ rằng con gái họ sẽ không chịu đi gặp một người lạ như vậy. Thế nhưng, kết quả lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, cả ba em gái đều đồng ý gặp mặt Jason, tức Coby. Cô bé Mikayla 13 tuổi đã hẹn gặp Coby ở công viên gần nhà khi ba mẹ cô bé đi vắng. Nghiêm trọng hơn, cô bé Julianna 12 tuổi còn đồng ý mở cửa cho Coby vào nhà khi trời tối lúc em nghĩ rằng ba mình đã ngủ, hay Jenna 14 tuổi thậm chí còn bạo gan leo lên xe đi theo Coby vào buổi tối. “Nội dung của video clip này thể hiện rõ những hiểm nguy có thể chạm vào con cái chúng ta khi chúng sử dụng mạng xã hội với sự vô tư và không chút phòng hờ. Càng nguy hiểm hơn nếu cha mẹ không theo sát và nhận biết những dấu hiệu không an toàn để sớm có biện pháp bảo vệ con”. Đó là chia sẻ của chị Mai Thanh (TP.HCM) sau khi xem video clip. “Các ông bố, bà mẹ trong clip đều bất ngờ với hành động gặp gỡ, mở cửa cho người lạ giữa đêm khuya và thậm chí leo lên xe cho người lạ chở đi của các con mình. Khi tận mắt chứng kiến các con làm vậy thì choáng váng thật sự. Mình hiểu và rất chia sẻ cảm giác này”, chị Mai Thanh nói. Chị Thanh Mai (TP.HCM) cũng có cùng suy nghĩ. Theo chị Mai thì những tình huống trong clip chỉ là một phần những nguy hiểm mà các con có thể gặp phải khi tham gia mạng xã hội. “Nỗi lo của các phụ huynh như mình bao giờ cũng nhiều hơn khi con lớn lên và bắt đầu bước vào một thế giới thật ảo lẫn lộn như mạng xã hội”, chị Thanh Mai bày tỏ.
Những câu chuyện ở Việt Nam Thạc sĩ (Ths) tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân nhớ lại câu chuyện của một học trò 12 tuổi và sang chấn tâm lý mà cô bé phải trả qua khi không lường trước được cạm bẫy của những kẻ xấu trên mạng xã hội. Quen một người bạn trai qua mạng xã hội mà chưa từng gặp mặt, nhiều lần người này nài nỉ cô bé gửi những hình ảnh khỏa thân để chứng minh tình yêu. Ban đầu cô bé không đồng ý nhưng rồi cũng bị thuyết phục bởi lời lẽ của chàng trai kia. Những hình ảnh nhạy cảm của cô bé không chỉ đến tay chàng trai mà còn bị lan truyền đến bạn bè của người nay và bị tung lên mạng xã hội. “Các bé có nguy cơ gặp phải những chuyện như bị kẻ xấu lừa tiền, rủ rê bỏ nhà ra đi, lạm dụng tình dục khi tham gia mạng xã hội bởi lứa tuổi này các bé thường thích thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ tình yêu và nhất là sự tò mò, thích khám phá”, Ths Cẩm Vân chia sẻ. Một phụ huynh khác chia sẻ với TTO rằng chị nhìn thấy một đứa cháu gái của mình chỉ sau hai tuần lập tài khoản mạng xã hội đã có hơn 1.500 bạn bè, mỗi bức hình đều có hàng trăm người thích. “Tôi thấy lo thật sự. Làm sao con bé biết hết 1.500 người đó? Tôi thấy ở tuổi mới lớn, các bé thường lấy số lượt người thích, người bình luận và số lượng bạn bè trên facebook làm một “thước đo” cho mình mà không lường trước hiểm họa có thể đến từ những người không quen đó”, vị này chia sẻ.
ThS tâm lý Đào Lê Hòa An kể một cô bé tuổi teen đã cầu cứu mình vì liên tục bị một người bạn quen trên mạng xã hội quấy rối. “Ban đầu đối tượng này mời cô bé đi uống trà sữa nhưng cuối cùng lại ép vào nhà nghỉ và dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi đồi bại. Tuy nhiên, khi cô bé nói cô bé còn 6 tháng nữa mới đủ 16 tuổi thì người này “tha” cho về và bảo 6 tháng sau phải đáp ứng yêu cầu, nếu không sẽ sát hại cô bé. Suốt những ngày sau đó, đối tượng này liên tục khủng bố tinh thần và nhắc cô bé về lịch hẹn 6 tháng sau”, ông An kể. “Tường lửa” nào cho con? Sợ những rủi ro nhưng các bà mẹ đều đồng tình rằng không thể nào cấm con tham gia mạng xã hội. Chị Cẩm Anh (quận 1, TP.HCM) cho biết chị cố gắng trì hoãn thời gian con tham gia mạng xã hội càng lâu càng tốt, tuy nhiên, mới đây thì con chị cũng đã mở tài khoản facebook với sự định hướng và giám sát của mẹ. “Mình thường nói với con là phải biết rõ người đó là ai thì mới kết bạn, những tin nhắn từ người lạ thì phải xóa đi hay khi con chia sẻ thông tin, hình ảnh trên mạng thì chỉ để chế độ cho bạn bè thấy. Về hình ảnh, mình cũng dặn con không được đăng tải những hình ảnh riêng tư, không đăng hình ảnh nơi mình ở, trường mình học… Ngoài ra cũng không được đánh dấu địa điểm mình đang lui tới”, chị Cẩm Anh chia sẻ những “tường lửa” mình xây dựng để bảo vệ con.
Chia sẻ thêm, chị Nguyễn Diễm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình thường trò chuyện về những trường hợp đáng tiếc cụ thể đã diễn ra vì thiếu cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội và đúc kết việc nên làm, nên tránh. Đồng tình, chị Mai Thanh cho biết chị sẽ cùng con xem video clip “Những hiểm họa của truyền thông xã hội” để con tự nhận thấy hiểm họa và cẩn trọng khi dùng mạng xã hội. Chị Thanh cũng cho rằng nên có những giờ học kỹ năng sống trong trường học với hình ảnh, video clip cụ thể để các bé tuổi teen dần ý thức được những hiểm nguy và phòng tránh. “Nếu chỉ nói mà không có dẫn chứng cụ thể thì đôi khi con không tin, không phục. Nhưng trò chuyện cũng phải khéo léo, nếu không con sẽ nghĩ mình đánh giá thấp con, cho rằng con cũng dễ dụ như những bạn khác. Tâm lý tự ái sẽ khiến con làm ngược lại điều mình dạy bảo”, chị Diễm đúc kết. Chia sẻ đoạn video clip trên trang cá nhân, chị Kim Đoan (TP.HCM) nói mình nhắc nhở con gái mỗi ngày rằng con không bao giờ được đi theo người lạ, không được ăn hay nhận bất cứ đồ ăn, thức uống gì của người lạ. “Mỗi ngày đều nói, có thể con không hiểu, nhưng nó sẽ đi vào đầu và con hình thành được khả năng tự vệ”, chị Đoan chia sẻ.
Một phụ huynh khác thì cho biết chị thỏa thuận với con là tài khoản mạng xã hội của con, mẹ được quyền biết mật khẩu. “Vẫn âm thầm vào để theo dõi bé có những hoạt động gì trên mạng xã hội nhưng mình không để bé biết. Nhận thấy điều gì đó hơi bất ổn, mình sẽ tìm cách trò chuyện, gợi mở và định hướng để con đừng sa đà, lạc lối. Mình cũng thường đặt ra những tình huống và hướng dẫn con cách phòng tránh”, vị phụ huynh này chia sẻ thêm. Giúp con tìm niềm vui trong đời thực Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Ths Vũ Cẩm Vân cho rằng khi đồng ý cho các bé tham gia mạng xã hội, bố mẹ cần quan sát và gần gũi con để nhận biết các dấu hiệu như xao nhãng việc học, mệt mỏi, có chuyện muốn giấu… để kịp thời tiếp cận, can thiệp. Thông qua việc trao đổi, phụ huynh có thể giúp con chọn lựa và kết bạn trên mạng xã hội. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn hoặc đi cùng trẻ trong buổi gặp bạn bè quen biết trên mạng xã hội ở ngoài đời. Điều quan trọng là phụ huynh phải tạo niềm tin tưởng ở con cái để trẻ có thể chia sẻ tâm tư và hỏi ý kiến những việc cần thiết. “Không phải việc xảy ra rồi chúng ta mới nói hay hàng ngày nói với con thì con có thể tiếp thu. Nên dạy con từ nhỏ, càng sớm càng tốt, giáo dục con biết trân trọng bản thân. Con được sống trong tình cảm yêu thương, vòng tay an toàn của bố mẹ và tham gia nhiều hoạt động lành mạnh ngoài đời thực như thể thao, dã ngoại, sinh hoạt đội nhóm… thì sẽ không cảm thấy cô đơn, buồn chán để suốt ngày lên mạng xã hội tìm niềm vui, tìm tình yêu”, Ths Cẩm Vân chia sẻ thêm. Ở góc độ kỹ thuật, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP.HCM cho biết phụ huynh có thể kiểm soát những trang web mà con truy cập bằng cách thiết lập tường lửa hoặc giới hạn thời gian truy cập internet bằng các biện pháp kỹ thuật. Ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành công ty bảo mật Nam Trường Sơn thì cho rằng cha mẹ phải hết sức cân nhắc khi trao tặng cho con những thiết bị có thể truy cập internet như điện thoại, máy tính bảng… Ông Vũ cho biết thêm những phần mềm diệt vi rút có bản quyền đều có chức năng quản lý người dùng trên máy tính, cha mẹ có thể dùng nó để quản lý thời gian con truy cập internet trong ngày. Cha mẹ cũng có thể theo dõi lịch sử truy cập của con để khéo léo nhắc nhở những trang web con không nên vào.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng nếu đặt mình vào tình huống của những vị phụ huynh trong video clip “Những hiểm họa của truyền thông xã hội”, ông sẽ chọn cách hài hước để đối thoại với con để tránh tạo tâm lý đề phòng và cảm giác cha mẹ đang theo dõi mình cho con trẻ.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: >> Chị Cẩm Anh >> Chị Mai Thanh >> Thạc sĩ Vũ Cẩm Vân >> Thạc sĩ Đào Lê Hòa An >> Ông Võ Đỗ Thắng >> Ông Ngô Trần Vũ ĐẶNG TƯƠI – ĐỨC THIỆN – AN NHIÊN – TÀI PHONG
|
Theo Tuổi Trẻ