Tội danh “cho vay nặng lãi” cần được nhìn nhận một cách “nhẹ nhàng” hơn trên phương diện pháp lý, theo kiến nghị của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để trả lời đề nghị của Ủy ban này về việc rà soát tổng thể Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo công văn này, một số điều khoản trong luật cần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế, trong đó có quy định đối với tội danh “cho vay nặng lãi”.
Cụ thể, Điều 201 về tội cho vay lãi nặng xác định hành vi dựa trên hai căn cứ chính là (i) lãi suất cao gấp 05 lần lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự; và (ii) thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất để bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự là 100%/năm.
Theo VCCI, trên thực tế, hiện tượng cho vay với lãi suất cao hiện vẫn diễn ra tương đối phổ biến trong nền kinh tế. Hiện nay, các ngân hàng thường không cho vay các khoản vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn do không đáp ứng được điều kiện của các hoạt động ngân hàng. Do đó, người cần vay vẫn buộc phải tìm đến những người cho vay ngắn ngày, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đổi lại phải chịu lãi suất cao.
Đây là hoạt động bình thường khi mà nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể với quy mô rất nhỏ. Theo ước tính, hoạt động kinh tế của nhóm này đang chiếm khoảng 23% tổng GDP của Việt Nam.
VCCI cho rằng về bản chất, dù lãi suất cao nhưng đây vẫn là quan hệ hợp đồng tự do thỏa thuận, mang đầy đủ các đặc điểm như đã phân tích trên, gồm (i) có sự đồng thuận chung cả các bên tham gia; (ii) không bên nào bị đe dọa, cưỡng ép; (iii) các bên tham gia trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, không bên nào bị lừa dối, che giấu thông tin; và (iv) không làm thiệt hại đến quyền lợi của bên thứ ba.
Khảo sát của VCCI cho hay hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng mà thay vào đó là áp dụng các biện pháp quản lý khác. Ví dụ, tại Anh, nếu khoản vay có lãi suất cao hơn mức nhất định, người đi vay không có nghĩa vụ phải trả tiền cho người cho vay. Tại Mỹ, những người hành nghề cho vay những khoản nhỏ này phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải đăng ký với cơ quan nhà nước, thường xuyên báo cáo về hoạt động cho vay (hoạt động tài chính vi mô).
Việc xử phạt (hành chính hoặc hình sự) đối với hành vi cho vay lãi nặng tại các quốc gia này chỉ đặt ra khi người cho vay không đăng ký, báo cáo với cơ quan nhà nước; có hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp khác để đòi nợ; hoặc có liên quan đến việc rửa tiền, tiêu thụ tài sản trộm cắp (đối với dịch vụ cầm đồ).
“Đây đều là những cách làm rất khoa học, vẫn bảo đảm ngăn ngừa các tác động xấu của việc cho vay lãi nặng, nhưng đồng thời duy trì các lợi ích từ sự linh hoạt và tiện lợi của dịch vụ tín dụng này”, văn bản nêu.
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi xử lý tội cho vay lãi nặng. Cụ thể, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng trong hai trường hợp.
Thứ nhất là người cho vay với lãi suất cao thực hiện hoạt động cho vay một cách thường xuyên, liên tục, vì mục đích thu lợi mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề tổ chức tài chính vi mô.
Thứ hai là người cho vay với lãi suất cao sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay tiền để đòi nợ.
Tuy nhiên, VCCI cũng kiến nghị rằng đi kèm với việc sửa đổi tội cho vay lãi nặng, cần tiến hành xây dựng, sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô theo luật các tổ chức tín dụng.
Theo Vietnamfinance