Tinh Hoa

Chợ lá ở Tây Ninh: Chỉ cần có lá là mua được đồ

Chợ lá ở Tây Ninh thường chỉ diễn ra vào một dịp duy nhất trong năm, người trong phiên chợ này mua bán đồ ăn bằng lá cây thay cho tiền, người nào nhận được càng nhiều lá thì càng may mắn.

Phiên chợ lá độc đáo ở Tây Ninh. (Ảnh: NLĐ)

Theo báo Doanh nghiệp & Tiếp thị, phiên chợ lá này là một nét văn hoá rất độc đáo tại Tây Ninh, thường diễn ra vào khoảng ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phiên chợ lá bị hoãn. Năm nay (2022), phiên chợ lá đầu tiên được tổ chức vào ngày 12 âm lịch dọc theo con đường Nguyễn Quốc Gia (cửa 8 chợ Long Hòa, ngay Trung tâm thương mại Long Hoa) với hơn 20 gian hàng bày bán các mặt hàng thức ăn phong phú, đa dạng.

Chợ lá thường diễn ra từ khoảng 5h30 phút sáng và cũng chỉ kéo dài 1 – 2 tiếng là vãn. 

Bất cứ lá cây nào cũng được thay thế tiền để mua hàng. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Ở đây, thay vì tiền, người ta dùng lá để mua hàng. Chẳng cần biết mệnh giá, người mua cứ mua, người bán cứ bán. Muốn mua món hàng nào đó, người mua chỉ cần đưa một (hoặc một vài) chiếc lá cho người bán là được. Vậy nên một số tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra khi có nhiều người tình cờ đi ngang chợ, thấy đông nên ‘tạt’ vào mua đồ lại không có lá sẵn trên người. Lúc này, nhiều người đã chạy ra vặt luôn lá cây bên đường để thuận tiện… giao dịch trong phiên chợ. 

Nghe nói, khi kết thúc phiên chợ, người bán nào nhận được càng nhiều lá thì sẽ càng may mắn.

Theo báo Pháp luật Việt Nam, khởi đầu ‘chợ lá’ là Lương y Bùi Quốc Thái (phường Long Hòa, TX. Hòa Thành). Ông là một thầy thuốc nam làm từ thiện được nhiều người dân Tây Ninh và cả nước biết đến, nổi tiếng với tấm lòng y đức, nhân hậu.

Người mua hàng lấy lá cây làm tiền để mua hàng, người bán nhận lá làm may mắn. (Ảnh: PLO)

Ban đầu đây chỉ là một phiên chợ nhỏ mang tính chất nội bộ vào dịp Tết Nguyên tiêu để chung vui cùng anh em, bạn bè sau những ngày vất vả trong năm. Sau đó nó dần trở thành nét đẹp văn hóa, thu hút không chỉ dân địa Phương mà còn cả các du khách từ những tỉnh thành khác tham gia, đến nay đã trải qua hơn 12 năm.

Tại phiên chợ, ai muốn mua món ăn, thức uống nào chỉ việc đưa một ‘chiếc lá’ cho người bán để nhận món ăn, kèm theo đó là lời cảm ơn chân thành, chúc nhau những lời tốt lành lấy lộc đầu năm mới.

Việc “lấy lá làm tiền” để trao đổi hàng hóa trong ngày đầu năm mới là bởi người dân nơi đây quan niệm rằng tiền cũng chỉ là vật phù du như chiếc lá, điều quan trọng là con người phải sống chan hoà, lương thiện, biết quan tâm và yêu thương nhau.

Người bán thu được rất nhiều lá lộc đầu năm. (Ảnh: PLO/Doanh nghiệp & Tiếp thị)

Xuân Hạ (t/h)