Tinh Hoa

Chợ lá dong Sài Gòn: Mỗi năm một lần đến hẹn lại lên

Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ những ngày giáp Tết chợ lá dong Ông Tạ “độc nhất vô nhị” ở Sài Gòn nằm trên vỉa hè (góc Cách Mạng Tháng 8 – Phạm Văn Hai) lại bắt đầu phiên chợ một năm một lần với nhộn nhịp người mua bán.   

Chợ lá dong Ông Tạ nổi tiếng ở Sài Gòn chỉ họp một lần trong năm, bắt đầu từ 18 – 28 tháng Chạp. Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 5 giờ sáng cho đến tối khuya cùng ngày.

Những người dân sống xung quanh khu vực này cho hay, chợ lá dong hình thành từ trước năm 1975 bởi những người dân từ miền Bắc vào, nhằm gìn giữ nét văn hóa truyền thống gói “bánh chưng xanh” cho ngày Tết.

Theo ghi nhận vào chiều và tối 6/2, nhiều người dân đã chuyển lá dong (lá dùng để gói bánh chưng) từ trên xe tải xuống. Không chỉ có lá dong, tại đây còn có cả lá chuối gói bánh tét, lạt mây và khuôn gói bánh chưng.

Nguồn lá dong chủ yếu được lấy từ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Gia Kiệm (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ngoài ra, lá dong còn được nhiều tiểu thương bày bán ở khu vực chợ Võ Thành Trang (trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình).

Hoàng Thị Thu (SN 1970, quê Đồng Nai) với thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho hay, năm 2018 chị đầu từ khoảng gần 500 triệu tiền lá dong, lá chuối, khuôn gói bánh chưng và lạt gói bánh.

“Năm nay tôi nhập về 50.000 lá dong được lấy từ Gia Kiệm (Đồng Nai). Các chợ và các lò làm bánh ở TP HCM đều liên hệ để đặt hàng với giá bỏ sỉ 30.000/bó lá nhất, lá đại giá sỉ là 70.000 đồng/bó. Giá có thể tăng theo ngày”, chị Thu nói.

“Bình thường chợ lá dong hoạt động từ ngày 20 tháng Chạp, tuy nhiên, năm nay 21 tháng Chạp chúng tôi mới bắt đầu đưa hàng từ Lâm Đồng hoặc ngoài miền Bắc về bán.

Lá dong được bán với giá 50.000 đồng/bó, dây lạt gói bánh chưng 5.000 -100.000 đồng/bó, khung gói bánh 15.000 – 40.000 đồng tuỳ kích cỡ”, anh Hoà (người bán lá dong) chia sẻ.

Ông Liên (người bán lá dong nhiều năm) cho biết nguyên nhân lá dong rớt giá hơn năm trước do năm nay nhu cầu mua bánh chưng, bánh tét của người dân trực tiếp tại các cửa hàng cao, ít người chịu bỏ thời gian gói ở nhà.

“Tôi mua lá dong từ miền Bắc và được gởi bằng tàu vào TP HCM. Ở miền Bắc, thời gian gần đây trời mưa nên lá dong xanh và mượt. Tuy nhiên, giá vẫn bị rớt do nhu cầu người dân ít chịu bỏ thời gian tự gói ở nhà, phầ nhiều ra tiệm mua”, ông Liên phân tích.

“Dù thấp thỏm khi giá lá dong thấp nhưng chúng tôi cố gắng giữ nghề, giữ hình ảnh một phiên chợ gần gũi và thân thương như một nét truyền thống văn hóa của người Việt nói chung và người dân gốc Bắc nói riêng mỗi dịp Tết đến Xuân về”, anh Tuấn – người bán lá dong trong chợ Ông Tạ cho hay.

Với 15 năm buôn bán lá dong ở chợ này, bà Khánh (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho hay, giá hiện tại thấp hơn năm 2017 rất nhiều. “Năm nay tôi lấy khoảng 20 thiên lá từ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP HCM) và Gia Kiệm (Đồng Nai) về để bán sỉ bó đại (lớn) từ 75.000 – 80.000 đồng, thấp so với năm trước”, bà Khánh nói.

Năm nay không vềQuảng Bình đón Tết cùng gia đình nên chị Thoa và chồng đến chợ mua lá dong về gói bánh. “Chợ này là nguồn cung cấp vật liệu cho các lò bánh chưng bán dịp Tết hoặc các hộ gia đình muốn ăn Tết theo hương vị miền Bắc, nhất là những người dân miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Vì thế, tôi muốn gói bánh để mang hương vị miền Bắc gởi tặng cho cô bác, họ hàng”, chị Thoa cho hay.

Chợ lá dong Ông Tạ có cách đây hơn nửa thế kỷ và là nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn. Những tiểu thương bán lá dong những ngày Tết phải ăn ngủ, sinh hoạt ngoài vỉa hè từ sáng đến đêm.

Càng về khuya, cảnh mua bán tại chợ càng nhộn nhịp hơn khi có nhiều tiểu thương đến lấy hàng để bán vào sáng hôm sau.

Ngân Ca (t/h)