Lẽ ra cô Tirad đã có một công việc ổn định và không bị đuổi việc nếu chấp thuận theo chính sách ‘không cho điểm zero’ cho học sinh. Thế nhưng, bằng tất cả tâm hành nghề của một giáo viên, cô Tirad hiểu được đâu mới thật sự tốt cho trẻ. Cô đã chấp nhận bị đuổi việc, và kiên quyết không chấp hành.
Trường hợp sau đây đã chứng minh rằng ở Mỹ, nghề giáo cũng không dễ dàng gì. Giáo viên bị kẹt vào một núi trách nhiệm: báo cáo đánh giá hàng ngày, soạn giáo án, chấm bài kiểm tra và bài tập về nhà. Phụ huynh thì luôn đúng và một số chính sách của trường thì vô lý đùng đùng nhưng nếu giáo viên không tuân thủ thì sẽ bị sa thải.
Chẳng hạn như có những trường làm theo chính sách ‘không cho điểm zero’. Mức điểm thấp nhất mà giáo viên nên cho là 50%, ngay cả khi học sinh không nộp bài tập.
Mà đây không phải là quy định chỉ có ở các trường tư. Nhiều trường công lập ở Mỹ muốn thu hút học sinh đi học, nên bảo thầy cô cho học sinh điểm cao hơn. Thế là chúng có thể nghĩ không cần phải làm gì trong lớp. Học sinh sẽ được 50% điểm dù cho không tham gia thảo luận, không làm bài tập về nhà, không giơ tay phát biểu…
Tuy có những thầy cô tuân theo quy định này, nhưng cũng có những người “cứng” như cô Diane Tirado. Cô không bao giờ đồng ý nghe theo.
Cô Tirado không phải là giáo viên mới ra trường, mà đã có nhiều kinh nghiệm. Cô vừa chuyển đến trường Westgate K-8 ở Port St. Lucie. Cũng giảng dạy bình thường như những giáo viên khác, song cô muốn học sinh của cô làm bài tập. Tuy nhiên, phương pháp của cô đã bị nhà trường chỉ trích.
Có vài em không làm bài mà cô giao về nhà, bị cho 0 điểm. Cô còn cho thêm hai tuần để làm bài, nhưng chúng vẫn không hoàn thành.
Ở đây không có gì bất thường. Tuy nhiên, trường Westgate áp dụng chính sách ‘không cho điểm zero’ nên họ yêu cầu cô Tirado cho những em đó 50% số điểm. Cô thẳng thắn từ chối.
Với “sai phạm” duy nhất, chỉ sau vài tuần nhận lớp, cô giáo đã bị nhà trường sa thải. Khi chia tay, cô cho lớp cô biết lý do cô không được dạy các em nữa:
”Tạm biệt các em, cô Tirado quý các em và chúc các em những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống! Cô đã bị sa thải vì không đồng ý cho điểm 50% những bạn đã không nộp bất cứ thứ gì”.
>>> Lá thư của một người phụ nữ dạy chúng ta bài học về ý nghĩa cuộc sống
Trong thư buộc thôi việc không nêu rõ lý do sa thải cô vì cô vẫn còn đang thử việc.
Cô Tirado không cảm thấy hối tiếc vì đã làm đúng đắn.
“Điểm trong lớp của cô Tirado đã được cho không”.
Cô nói thêm: “Tôi rất buồn vì chúng ta ở trong một đất nước mà trẻ em muốn được công nhận và sống một cuộc sống chỉ có bề ngoài mà không bỏ ra nỗ lực gì”.
Cộng đồng mạng đang chia sẽ câu chuyện của cô Tirado. Hy vọng của cô là tất cả các trường học sẽ thôi áp dụng chính sách vô lý này:
“Lý do tôi tham gia cuộc chiến này là bởi vì nó thật lố bịch. Việc giảng dạy không nên khó khăn như vậy. Giáo viên dạy nội dung, trẻ em làm bài tập theo khả năng hết sức mình và giáo viên chấm bài dựa trên thang điểm đã có từ trước. Giáo viên cũng đã rất nỗ lực để giúp học sinh hoàn thành bài tập, vì vậy họ có quyền chấm điểm. Về bản chất, hầu hết các giáo viên đều có tấm lòng yêu thương, họ luôn muốn nhìn thấy học sinh thành công. Chúng tôi đã làm mọi thứ không chỉ đơn thuần là giáo dục để hỗ trợ cho học sinh. Chúng tôi có hoàn hảo không? KHÔNG. Chúng tôi cũng phạm sai lầm giống như tất cả những người khác, nhưng tôi biết giáo viên làm việc để giúp trẻ em trở thành những người tốt nhất có thể!!!”
Hầu hết những ai nghe chuyện về cô Tirado đều khen cô đã dám đứng lên phản đối điều mà cô cho là sai lầm và đi ngược lại với nguyên tắc chấm điểm.
Một giáo viên khác viết: “Chuyện này có thật à? Nếu là tôi thì tôi cũng nghỉ việc”.
Một người dùng Facebook nhận xét: “Giáo viên nên có quyền quyết định điểm của học sinh. Nếu đơn giản là không nộp bài tập, chúng đáng nhận được điểm F. Nếu bạn cho 50% cho tất cả học sinh không làm bài tập, vậy còn ai để chúng noi gương? Bọn trẻ cần phải chịu trách nhiệm về bài tập mà chúng không làm”.
Một người đồng tình: “Tôi rất tiếc khi cô giáo gặp phải chuyện này! Tôi hoàn toàn ủng hộ cô. Nếu nộp không bài nào, tôi hoàn toàn tin rằng 0 điểm là xứng đáng. Nếu vẫn công nhận dù chúng không nộp bất cứ thứ gì, tôi nghĩ chúng ta sẽ dạy cho học sinh những điều sai lầm mà sau này chúng áp dụng lên nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Kiên quyết lên”.
Sự cứng rắn cô Tirado không phải là hy hữu. Đã có một giáo viên khác đứng lên và chiến thắng.
Đó là trường hợp thầy Lynden Dorval dạy vật lý tại trường trung học Ross Shepherd, ở Edmonton, Canada. Trường này cũng có chính sách ‘không cho điểm zero’. Thầy cũng bị trường đuổi vì cho những em không nộp bài 0 điểm.
Chưa đầy một tuần sau khi bị thôi việc, thầy Dorval được mời đến dạy tại một trường tư thục.
Peter Mitchell, hiệu trưởng trường Tempo, người đã mời thầy Dorval đến dạy, nói với CBC: “Chính sách đánh giá của chúng tôi là để cho thầy cô quyết định. Tôi nghĩ học sinh ở đây sẽ không ngạc nhiên khi nhận được điểm 0 nếu chúng không làm bài tập của mình”.
Khi kiện ra tòa, thầy Dorval được nhận tiền bồi thường. Thầy được tăng lương hưu và thêm 2 năm tiền lương.
Thầy chia sẻ: “Tôi biết những gì tôi làm là đúng và cho dù có hợp pháp hay không, đó là điều phải làm. Và sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí từ học sinh, thực sự đã giúp tôi vượt qua điều này”.
Những thầy cô kiến quyết như cô Tirado và thầy Dorval có lẽ sẽ khiến những trường thực hiện chính sách ‘không cho điểm 0’ hiểu ra đó không phải là điều các nhà giáo mong muốn. Với cô Tirado, chúc cô sẽ tìm được công việc khác và tiếp tục làm những gì cô đã làm tốt nhất, đó là giảng dạy các em học sinh.
>>> Những yếu tố tạo nên một đứa trẻ ưu tú
Xuân Nhạn, theo BD