Theo một số thông tin đăng tải gần đây, công cuộc cải cách chính trị và chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang gặp những khó khăn nghiêm trọng, trở lực lớn nhất vẫn là nhóm lợi ích phe cánh Giang Trạch Dân.
Theo tờ “Động Hướng” của Hồng Kông số Tháng Hai cho biết, trong dịp Tết truyền thống vừa qua, ông Vương Kỳ Sơn khi thăm các cán bộ của Trường Đảng Trung ương, Bộ Tổ chức Trung ương, Bộ Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc v.v., đã tiết lộ 3 việc lớn:
- Việc thiết lập quy định về khai báo tài sản của nhân viên công chức cùng vợ/chồng, con cái dành cho các cơ quan từ cấp huyện trở lên trong đảng và chính quyền vẫn chưa thể tiến hành, đang rơi vào trạng thái bị đình trệ.
- Vấn đề cải cách chế độ, đãi ngộ phúc lợi kinh tế đối với các cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu vẫn chưa thể đạt được sự thống nhất. Tình trạng trước mắt là không chỉ về mặt kinh tế diễn ra thâm hụt trầm trọng mà cả về mặt xã hội đã tạo thành cục diện hết sức bị động, hình thành nên một tầng lớp có đặc quyền về lợi ích.
- Việc tồn tại song song hai hệ thống quy định (đảng lệ và luật pháp) gây ảnh hưởng lên việc “dùng pháp trị quốc“. Tuy nhiên ngay trước mắt không thể loại bỏ được vấn đề này, vì như vậy đối với công tác chống tham nhũng sẽ tạo thành can nhiễu lớn, tạo không gian cho các thế lực hủ bại.
Gần cuối Tháng 10/2016, hãng tin Reuters của Anh từng đăng tải thông tin, ông Vương Kỳ Sơn nỗ lực vận động “công khai tài sản của quan chức” và “điều luật chống tham nhũng”. Tuy nhiên, hai phương pháp chống tham nhũng này đã gặp sự kháng cự quyết liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Việc lập phương án triển khai kế hoạch này trong thời gian thảo luận của Lục Trung Toàn Hội đã bị “ngâm lạnh”.
Tờ Tranh Minh số Tháng Hai cũng từng đăng bài cho biết, vào Tháng 12/2016, tại “Hội Sinh hoạt Dân chủ” của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã thừa nhận “quá trình thực thi, chấp hành và theo dõi việc triển khai công tác công khai tài sản, quyền cư trú tại nước ngoài và quốc tịch v.v., của cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước, cũng như vợ/chồng, con cái đang diễn ra hết sức chậm chạp. Vấp phải sự cản trở không hề nhỏ, xã hội phản ứng lại tương đối mãnh liệt”.
Các thông tin từng được công khai trước đó thể hiện rằng phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vẫn luôn là trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện công khai tài sản quan chức.
WikiLeaks từng tiết lộ một cuộc điện thoại mật cho biết cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo sau khi lên nắm quyền đã từng đề xuất luật yêu cầu quan chức cấp cao công khai tài sản, nhưng đã bị 7 người còn lại trong nhóm Thường Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, vốn đều thuộc phe của ông Giang Trạch Dân phản đối.
Một tờ báo khác cho biết, ngày 15/8/2014, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường từng đề xuất “bản thảo trưng cầu ý kiến, điều lệ tạm thời về việc đăng ký bất động sản”, thí điểm thực hiện chính sách quan chức công khai tài sản. Tuy nhiên, việc này đã vấp phải sự kháng cự kịch liệt của tập đoàn lợi ích nên vẫn chưa thể tiến hành. Trong các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại, ông Trương Cao Lệ là người đã phản đối việc kê khai tài sản.
Tờ Động Hướng của Hồng Kông số Tháng 8/2016 cho biết, ngày 5/8 trong khuôn khổ của “Hội Sinh hoạt Dân chủ” tại Bắc Đới Hà, ông Hứa Kỳ Lương, hiện là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, từng yêu cầu ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cùng các quan chức cấp cao khác thuộc phe Giang là ông Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ công khai tài sản bản thân, vợ và con cái, họ hàng thân thuộc trong và ngoài nước.
Vào Tháng 9/2016, cũng tờ báo này tiết lộ, ngày 28/8 tại “Hội Sinh hoạt Dân chủ” của Bộ Chính trị đã diễn ra cuộc thảo luận vô cùng quyết liệt về vấn đề công khai tài sản quan chức, kéo dài đến 8 giờ.
Đối với vấn đề cải cách chế độ đãi ngộ cho quan chức về hưu, từ cuối năm 2016, chính quyền ông Tập Cận Bình đã thông qua văn kiện và quy định đối với việc đãi ngộ “lãnh đạo đảng và nhà nước” cùng các việc khác có liên quan.
Bài viết của ông Vương Đức Bang trên tạp chí Động Hướng có nhận định, điều này thể hiện đang có sự giao tranh giữa ông Tập với tập đoàn đặc quyền và lợi ích. Bài viết còn chỉ ra việc ông Giang Trạch Dân kể cả sau khi nghỉ hưu vẫn tiêu xài hoang phí và hủ hóa, đã đạt đến mức chưa từng có tiền lệ.
Ngoài ra, tờ Tranh Minh số Tháng Hai cũng vừa tiết lộ, ông Tập Cận Bình trong một cuộc họp vào cuối năm 2016, lần đầu tiên trong bản “tự kiểm” thừa nhận sự yếu kém trong công tác triệt hạ các thế lực đặc quyền trong đảng.
Đối với việc ông Vương Kỳ Sơn e ngại nếu ngừng biện pháp “song quy” (đặc quyền cách ly đối tượng để điều tra) sẽ bị các thế lực tham nhũng lợi dụng phản kích, ngoại giới vẫn duy trì nhận định đây là bệnh cũ về mặt thể chế của ĐCSTQ tạo thành.
Giới bình luận chính trị Trung Quốc nói gì?
Tháng trước trên truyền thông ngoài Trung Quốc, ông La Vũ, con trai của cựu Đại tướng La Thụy Khanh có nhận định, tình hình chính trị Trung Quốc vô cùng phức tạp, hiện đang là lúc diễn ra giao tranh kịch liệt giữa “hai trung ương”. Ông La Vũ cho biết, ông Tập Cận Bình hiện nay có đủ lực để nắm được ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng trong tay, nhưng “vì trở lực vẫn còn lớn nên chưa hành động“. Ngoài ra, ông La Vũ còn nói, đối với ông Tập, “năm nay là một năm vô cùng khó khăn“, “hãy xem ông ấy có thể mở cánh cửa lớn dẫn đến dân chủ và trật tự được hay không”.
Học giả về thể chế Trung Quốc Tân Tử Lăng cũng cho biết, ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đang lợi dụng thể chế của ĐCSTQ để phản kích lại các hành động của ông Tập Cận Bình. Ông Tập vốn đã không thể sử dụng thể chế hiện tại để thực thi chính sự, chỉ có cách lựa chọn con đường cải cách thể chế, triệt để thay đổi thế chế đảng và nhà nước.
Tờ Động Hướng vào Tháng 5/2016 cũng đưa tin, ông Vương Đức Bang cũng cho rằng ông Tập hiện đang phải đối phó với hai khó khăn về chống tham nhũng và cải cách thể chế cùng một lúc. Vì vậy, trong thời điểm này, chỉ có thể tiến hành chớp nhoáng, bắt các lão hổ lớn, sau đó mới có thể khai mở cục diện để thực hiện cải cách.
Theo Trithucvn