Gần đây, chính quyền một thành phố ở Trung Quốc đã ra lệnh xóa bỏ một tín ngưỡng dân gian truyền thống trên danh nghĩa cải thiện “văn hóa tinh thần” và “chất lượng không khí”. Sự việc này đã khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc vô cùng bức xúc.
Theo truyền thông Trung Quốc, chính quyền thành phố Cao Bưu thuộc tỉnh Giang Tô gần đây đã ra lệnh phá hủy tất cả các đền thờ Thổ Địa trong vùng. Họ đã mất 26 ngày để phá hủy tổng cộng 5.911 ngôi đền trong tháng 2 và tháng 3/ 2019.
Thổ Địa là một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Theo văn hóa dân gian, trước khi được tôn là Thổ Địa, ông là một quan chức thu thuế thời nhà Chu (510-314 TCN) có tên Chánh Phúc Đức.
Chánh Phúc Đức nổi tiếng là một vị quan chính trực, tốt bụng, thường dùng tiền túi của mình để giúp người nghèo đóng thuế. Ông qua đời ở tuổi 102. Không lâu sau, để tỏ lòng biết ơn, một gia đình nghèo đã thờ bức chân dung của ông. Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tình hình tài chính của gia đình bất ngờ khấm khá hơn trước. Khi câu chuyện này lan truyền ra, người ta bắt đầu xây dựng đền thờ ông vì họ tin rằng ông đã đắc đạo thành Tiên và sẽ mang lại may mắn cho mọi người.
Từ đó, truyền thống thờ Thổ Địa được lưu truyền ở cả Trung Quốc và Đài Loan.
Người Việt cũng có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, nghĩa là ở phạm vi nào thì có một vị thần cai quản ở đó. Vì vậy, trong các làng xã hay thị trấn, nhiều người thường góp tiền lại xây những ngôi đền nhỏ bên đường hoặc giữa ruộng vườn để thờ cúng Thổ Địa.
Theo tờ Tân Hoa Xã ngày 9/4, Pan Jianqi, người đứng đầu bộ phận tuyên truyền của thành phố Cao Bưu, phát biểu rằng chính sách phá hủy này là để “thúc đẩy một nền văn hóa tinh thần mới” và xóa bỏ các đền thờ được xây dựng bất hợp pháp.
Zhang Meilan – phó quận trưởng quận Cam Đóa thuộc địa phận thành phố Cao Bưu – phàn nàn rằng việc mọi người đốt nhang thờ cúng ở những ngôi đền này thường khiến không khí xung quanh nồng nặc mùi khói. Zhang cho biết từ khi các ngôi đền này biến mất, chất lượng không khí đã được cải thiện nhiều.
Theo tờ báo này, khoảng đất trống sau khi phá hủy các ngôi đền sẽ được dùng để trồng cây hoặc xây dựng các công trình công cộng.
Trước sự việc phá hủy đền thờ Thổ Địa, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội Weibo.
Một cư dân mạng có biệt danh “SIMONTONG2010” đến từ tỉnh Hải Nam đã viết: “Đền thờ Thổ Địa chỉ đơn thuần mang lại giá trị về mặt tinh thần cho những người nông dân muốn có một vụ mùa bội thu. Tại sao lại phải phá hủy những ngôi đền này?”
Một cư dân mạng khác cũng đến từ Hải Nam bức xúc bày tỏ: “Hành động phá hủy những ngôi đền là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Việc làm này cũng vi phạm Hiến pháp Trung Quốc”.
Từ lâu nay, chính quyền Trung Quốc vẫn thường xuyên kiểm soát gắt gao các tín ngưỡng tôn giáo. Chẳng hạn, để khiến Kitô giáo hoạt động dưới sự kiểm soát của nhà nước, chính quyền Trung Quốc đã tự bổ nhiệm giám mục, cũng như thành lập các hiệp hội và nhà thờ Thiên Chúa giáo được nhà nước phê chuẩn. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phá hủy các nhà thờ “trái phép”. Một số địa phương còn cấm người dân tổ chức lễ Giáng sinh.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn áp dụng các chính sách đàn áp phong tục tập quán địa phương, như cấm các nghi lễ chôn cất truyền thống tại tỉnh Giang Tây, chỉ cho phép hỏa táng người đã mất. Theo BBC, vào tháng 4/2018, chính quyền Trung Quốc đã phá hủy hơn 1.000 quan tài gỗ ở thành phố Shangrao, tỉnh Giang Tây.
Bảo San (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
- Đảng Cộng sản Trung Quốc hủy diệt tam giáo vào những năm 1950 như thế nào?
- Người dân Trung Quốc hy vọng “ông Trump vĩ đại” chấm dứt sự cai trị của ĐCSTQ