Tình trạng lương thực ở Trung Quốc đang rất cấp bách. Nhiều nông dân đã xác nhận rằng, chính phủ đã sử dụng các biện pháp cực đoan để buộc họ phải từ bỏ kinh doanh các loại cây ăn quả và rau vườn càng sớm càng tốt, chuyển sang trồng cây lương thực; còn phái côn đồ đến đe dọa bằng gậy gộc, yêu cầu những người già cũng phải xuống vườn làm nông.
Tạp chí “Bitter Winter”, tạp chí lâu nay luôn quan tâm đến tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, ngày 14/9 đưa tin rằng, dưới tình huống đại dịch đang lưu hành, lũ lụt tàn phá và quan hệ Trung -Mỹ ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đang sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
Để giải quyết nguy cơ thiếu lương thực, ông Tập Cận Bình vào tháng 8 đã kêu gọi ngăn chặn hiện tượng lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc. Hiện nay ngày càng có nhiều nông dân khẳng định rằng, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng các biện pháp hà khắc để ép họ trồng cây lương thực.
Vào tháng 4, chính quyền thị trấn Thạch Lai, thành phố Tân Thái, tỉnh Sơn Đông đã yêu cầu tất cả các thôn làng trong vòng 5 năm tới không được trồng cây ăn quả, chỉ được trồng cây lương thực. Những cây đã trồng, nội trong một khoảng thời gian phải chặt đi để trồng cây lương thực.
Sau đó, chính quyền thị trấn Thạch Lai cũng đã cử người, trong một đêm chặt toàn bộ số cây dương mới trồng ở làng Tả Gia Câu mà chưa có sự đồng ý của dân làng. Dân làng đã làm đơn khiếu nại lên chính quyền, nhưng câu trả lời là: “Chính phủ không cho trồng cây, mà phải trồng lương thực”.
Một người dân tại một thị trấn ở thành phố Tân Thái tiết lộ rằng, cây cối được trồng ở mười mấy ngôi làng trong thị trấn đã bị phá hủy bởi những kẻ côn đồ do chính phủ thuê vào tháng Bảy. Những côn đồ đó cầm theo những thanh gỗ dài đe dọa, người dân chỉ biết tức giận mà không dám nói gì. Chính sách chặt cây lần này có tính cưỡng chế, không có chỗ cho thương lượng.
Có dân làng nói: “Những cây đã bị chặt thì không cách nào bán được nữa, chúng tôi chỉ có thể dùng chúng làm củi. Dù sao, người chịu thiệt ở Trung Quốc luôn là người dân”.
Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, chính quyền buộc những người già không có khả năng làm ruộng phải đi trồng lúa.
Một người dân địa phương cho biết: “Chính quyền đã ra thông báo từ ngày 1/5, tất cả các ruộng nước đều phải trồng lúa, không được trồng cây, nếu không sẽ thu hồi quyền quản lý đất”.
Đa số thanh niên địa phương đều đi làm thuê xa xứ, và những người già buộc phải làm ruộng vì sợ chính quyền thu mất ruộng của họ. Một người dân ngậm ngùi nói: “Tôi đã ngoài 70, sức khỏe không tốt, đã không làm ruộng hơn 10 năm rồi, mà bây giờ vẫn phải làm ruộng”.
Một người nông dân trung tuổi nói: “Chính phủ lúc nào cũng hô hào trồng cây ăn quả, bây giờ lại yêu cầu trồng lúa, không trồng còn bị thu hồi đất. Người Trung Quốc thậm chí một mảnh đất của mình cũng không sở hữu được, cái gì cũng đều là chính phủ quyết định”.
Đối với những nông dân đã trồng rau quả thì càng tổn thất nặng hơn. Tại một ngôi làng ở Quảng Châu, trong vòng 17 ngày, tất cả các cây ăn quả và rau củ sắp thu hoạch đều bị phá để thay thế bằng việc trồng lúa.
Một người dân bất mãn nói: “Trên các kênh tin tức đều nói rằng quốc gia có rất nhiều lương thực, bây giờ lại cưỡng chế chúng tôi phải trồng lương thực. Chính phủ không bao giờ nói sự thật, đây chẳng phải là rõ ràng không có lương thực sao?”.
Ngay từ tháng 3, David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, đã cảnh báo rằng dịch virus Vũ Hán đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, và trên thế giới số người sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lương thực nghiêm trọng có thể lên tới 265 triệu người vào năm 2020.
Các trận mưa lớn liên tục kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 ở miền nam Trung Quốc đã khiến phần lớn Trung Quốc bị ngập trong lũ lụt. Lưu vực sông Dương Tử có hàng nghìn km mà mực nước đã vượt quá mức cảnh báo, và tình trạng lũ lụt ở các thị trấn nông thôn ven sông rất nghiêm trọng.
Từ phạm vi xung quanh hồ Bà Dương đến đồng bằng sông Dương Tử, nơi được mệnh danh là “quê hương của cá và lúa”, hơn 5.26 triệu ha, tương đương 1.5 lần diện tích đất lương thực ở Đài Loan, đã bị chôn vùi trong nước. Các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng lương thực có thể sẽ bùng phát ở Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa tuyết, mưa đá và hạn hán đã khiến các vùng sản xuất lúa mì chính ở Trung Quốc giảm sản lượng. Hiện nay phía nam đang bị lũ lụt vây hãm, nhiều tỉnh ở phía bắc bị hạn hán nghiêm trọng, các loại cây lương thực chính như lúa và ngô có thể sẽ thất thu. Cộng thêm với “sát thủ lương thực” sâu keo mùa thu, dịch châu chấu và các thảm họa khác, nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc có thể đã chạm ngưỡng báo động.
Gia Hưng (Theo NTDTV)