Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi các phụ tá liên tiếp bị tố cáo, cùng với việc các tướng thân cận nhất của ông bị dính cáo buộc liên hệ với quan chức Nga.
Tờ New York Times hôm 1/3 đăng tải thông tin cho biết chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong những ngày cuối cùng đã cố tình lan truyền các tin tức cáo buộc Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Mỹ nhằm đảm bảo những thông tin này không bị che giấu khi chính quyền kế nhiệm.
Giăng sẵn “thiên la địa võng”
New York Times hôm 1/3 dẫn lời các quan chức Nhà Trắng dưới thời ông Obama cho biết trong những ngày cuối cùng trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, họ đã cố tình lan truyền các tin tức về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và mối liên hệ giữa các phụ tá của ông Trump với các quan chức Nga. Mục đích của việc này là để ngăn chặn Nga “tiếp tục can thiệp” vào các cuộc bầu cử ở Mỹ hay châu Âu trong tương lai, đồng thời để lại dấu vết cho các cơ quan tình báo và cơ quan điều tra Mỹ.
Ba cựu quan chức Mỹ cho biết Anh và Hà Lan đã chia sẻ thông tin về các cuộc gặp gỡ tại châu Âu giữa các cộng sự của ông Trump với các quan chức Nga và những phụ tá thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Cũng theo nguồn tin này, tình báo Mỹ đã nghe lén được nhiều cuộc hội thoại của các quan chức Nga, thảo luận về việc liên lạc với các cộng sự của ông Trump. Một số cuộc hội thoại được ghi âm ngay trong điện Kremlin. Các phụ tá của ông Obama cho biết mặc dù ông Obama chưa bao giờ yêu cầu nhưng họ vẫn tìm cách chia sẻ thông tin thu thập được cho các cơ quan tình báo vì lo ngại vụ việc có thể bị lấp liếm đi sau khi Nhà Trắng đổi chủ.
Nhiều tài liệu khác cũng được trình lên Quốc hội trong những ngày cuối cùng trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Theo New York Times, Bộ Ngoại giao đã gửi các tài liệu “bí mật” đến thượng nghị sĩ Benjamin Cardin của bang Marylands, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Những tài liệu này được gửi theo yêu cầu của chính ông Cardin.
Để lại dấu vết cho các cơ quan điều tra, theo New York Times, các quan chức Nhà Trắng muốn các đồng minh châu Âu cảnh giác với một mối đe dọa mà Mỹ đã từng gặp phải khi diễn ra cuộc bầu cử. Trước đó, các cơ quan tình báo Mỹ trong một tuyên bố hồi tháng 1 đã cho biết họ tin rằng Nga có ý định sử dụng sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ như là một khuôn mẫu cho các cuộc bầu cử khác trên thế giới.
Sẽ thêm một bộ trưởng ngã ngựa?
Mặc dù ông Trump và Nhà Trắng luôn khẳng định chiến dịch tranh cử của ông không có bất kỳ liên lạc với các quan chức Nga, tuy nhiên nhiều quan chức trong chính quyền của ông liên tục bị truyền thông phanh phui đã từng có liên hệ với đại sứ Nga tại Washington.
Tờ Washington Post hôm 1/3 công bố thông tin ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Trump, đã từng hai lần gặp gỡ Đại sứ Nga Sergey Kislyak khi đang diễn ra chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016. Điều đáng nói là trong buổi điều trần xác nhận tư cách bộ trưởng Tư pháp Mỹ đầu tháng 2, ông Sessions từng khẳng định chưa từng liên lạc với các quan chức Nga.
Đến hôm 2/3, ông Sessions trong buổi họp báo tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ đã thừa nhận từng hai lần gặp gỡ đại sứ Nga, một lần tại hội nghị quốc gia của đảng Cộng hòa ở Cleveland hồi tháng 7/2016, một lần khác tại văn phòng khi ông còn là một thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, theo ông Sessions, các cuộc gặp này chỉ thảo luận về vấn đề chính trị thế giới chứ không liên quan đến cuộc bầu cử. Ông Sessions cũng thông báo sẽ rút khỏi các cuộc điều tra do FBI tiến hành liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trước và sau ông Sessions, nhiều phụ tá của ông Trump liên tiếp bị truyền thông tố cáo từng liên lạc hoặc trò chuyện với các quan chức của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hồi tháng 2, ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cũng từng phải từ chức vì mối liên hệ không rõ ràng với Nga. Ông Flynn bị phát hiện đã tự ý điện thoại cho đại diện Moscow tại Mỹ và hứa hẹn dỡ bỏ cấm vận, đồng thời “báo cáo thiếu thông tin” cho Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về nội dung cuộc trò chuyện trên.
Nguy cơ khủng hoảng toàn diện
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hiện đang tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng về sự can thiệp của Nga trong cuộc chạy đua tổng thống Mỹ 2016 vừa qua, đồng thời kiểm tra các cáo buộc về mối liên hệ giữa các cộng sự của ông Trump với quan chức chính phủ Nga. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng được cho là đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vấn đề này, theo tờ New York Times.
Tờ Independent ngày 3/3 nhận định ông Trump hiện đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi có khoảng 40 vụ kiện đang chống lại ông, các chính sách ông đề ra thì bị thẩm phán tòa án liên bang bác bỏ, các phụ tá của ông thì liên tiếp bị tố cáo, cùng với việc các quan chức thân cận nhất trong chính quyền bị dính cáo buộc liên hệ với quan chức Nga. Những bê bối này nếu không được xử lý khéo léo có khả năng sẽ khiến cho chính quyền ông Trump gặp phải khủng hoảng toàn diện trước khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào năm 2020.
2 cố vấn chính sách đối ngoại khác của Tổng thống Trump gồm J.D. Gordon và Carter Page bị phát hiện có liên lạc với Đại sứ Nga Sergey Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức.
Theo PLO