Chính phủ Mỹ cắt tài trợ, WHO nhận 150 triệu USD từ Bill Gates
Sau khi bị chính phủ Tổng thống Donald Trump quyết định cắt tài trợ hôm 14/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lập tức nhận được 150 triệu USD từ quỹ từ thiện của vợ chồng Tỷ phú Bill Gates. Nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft cho rằng ngưng bơm tiền cho WHO lúc này là động thái nguy hiểm, theo CNN.
Ngày 15/4, Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú Mỹ Bill Gates thông báo sẽ tài trợ thêm 150 triệu USD cho WHO để hỗ trợ các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán và nghiên cứu vaccine. Với quyết định này, tổng số tiền tài trợ của quỹ từ thiện nhà Bill Gates cho WHO ứng phó dịch Vũ Hán đã lên tới 250 triệu USD.
Quyết định trên được đưa ra sau khi tỷ phú Bill Gates chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Trump ngừng tài trợ cho WHO là “nguy hiểm”. Vợ chồng tỷ phú Mỹ cho rằng, WHO là tổ chức có thể ứng phó được đại dịch này.
Trên Twitter cá nhân ngày 15/4, nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft Bill Gates viết: “Công việc của họ [WHO] là làm chậm sự lây lan của dịch Vũ Hán [Covid-19] và nếu công việc đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế họ. Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết.”
Trước đó hôm 14/4, Tổng thống Trump đã quyết định ngừng cấp ngân sách và dành thời gian từ 60-90 ngày để xem xét, đánh giá vai trò của WHO về những sai sót nghiêm trọng trong khâu quản lý và che giấu sự lây lan của virus corona. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng WHO không minh bạch về đại dịch Vũ Hán và Washington sẽ thảo luận với các đối tác y tế toàn cầu về việc họ sẽ làm gì với hàng triệu USD vốn bình thường đóng góp cho WHO.
Phản ứng trước quyết định của Lãnh đạo Nhà Trắng, Tổng giám đốc WHO Tedros nói rằng Mỹ đã là người bạn lâu năm, hào phóng của WHO và tổ chức này hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho tổ chức này. Ông Tedros hứa sẽ hợp tác với các đối tác để bù đắp và đảm bảo công việc không bị gián đoạn.
Tổng giám đốc WHO cũng cho biết ông sẽ ‘rút kinh nghiệm’ từ đại dịch Vũ Hán đã khiến hơn 2,1 triệu người nhiễm và hơn 145.000 người tử vong. “Và sẽ có những bài học cho tất cả chúng tôi. Nhưng bây giờ trọng tâm của tôi là ngăn chặn virus”, ông nói.
Một nghiên cứu của Anh chỉ ra rằng nếu WHO yêu cầu các nước đóng cửa biên giới sớm hơn một tuần, 2/3 số ca tử vong sẽ không xảy ra. Theo đó, ông Tedros cũng là mục tiêu của một bản kiến nghị trên Change.org kêu gọi ông từ chức. Đến hôm 17/3, bản kiến nghị đã thu hút hơn 960.000 chữ ký.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Tedros và WHO cho phép Trung Quốc đánh giá thấp tác động của virus Vũ Hán tại quốc gia này, cản trở khả năng chuẩn bị ứng phó của các quốc gia khác góp phần khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra toàn cầu.
Hiện Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 677.000 ca nhiễm và hơn 34.000 ca tử vong. Trong khi đó, Mỹ lại là nước có đóng góp ngân sách tổng thể lớn nhất cho WHO với khoản đóng góp mỗi năm từ 400-500 triệu USD, còn Trung Quốc chỉ góp 40 triệu USD/năm cho WHO.
Trong năm 2019 khoản đóng góp của Mỹ là hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Trong 2 năm 2018 và 2019, Mỹ đã góp cho WHO gần 900 triệu USD trong tổng cộng 5,6 tỷ USD ngân sách của tổ chức này.
Đại dịch Vũ Hán đã xuất hiện ở 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi bùng phát lần đầu tiên ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến sáng 17/4, toàn thế giới đã ghi nhận 2.180.968 ca nhiễm bệnh, trong khi số người tử vong đã lên tới 145.454 người.
Thiện Thành (t/h)