Tinh Hoa

“Chính phủ không nêu ra vấn đề bỏ Tết cổ truyền”

Trước đề xuất gộp Tết dương lịch và Tết cổ truyền khiên dư luận xôn xao thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây chỉ là suy nghĩ cá nhân và Chính phủ không đặt ra vấn đề này.

Tết cổ truyền được đánh giá là một nét đẹp văn hoá Việt Nam.

Chính phủ chưa nhận được báo cáo của bất cứ cơ quan nào về vấn đề này, đây chỉ là ý kiến cá nhân“, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy khi nhận được câu hỏi của báo chí về đề xuất gộp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán vào chiều 3/2.

Theo ông Dũng, Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hoá và đã được quy định bởi Luật lao động, theo đó người lao động được nghỉ trong dịp này với thời gian cụ thể tuỳ theo từng năm.

Chính phủ chưa bàn việc gộp Tết. Chúng ta phải giữ những gì là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc“, ông Dũng nói và thông tin thêm, các thành viên Chính phủ đã đánh giá Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh…

Mấy năm gần đây, cứ tới gần Tết dư luận lại dấy lên tranh luận về việc có nên gộp Tết Tây và Tết Nguyên Đán làm một hay không. Có không ít các ý kiến ủng hộ, phản bác từ nhiều giới, già trẻ, doanh gia, sử gia, các nhà văn hóa và những người dân bình thường.

Trong số đó, nghệ sĩ hài Trung Dân đã đưa ra quan điểm phản bác ý tưởng gộp hai cái Tết làm một. Ông nêu rõ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có nguồn gốc từ thần nông Trần Hữu Tước: “Nhờ Trần Hữu Tước mà chúng ta có cả một nền văn minh lúa nước, chúng ta lập quốc, chống ngoại xâm và trường tồn đến ngày hôm nay”.

Nam nghệ sĩ cũng nhắc lại, “cách đây không lâu các nhà khảo cổ đã chứng minh được đồng bằng sông Hồng là một trong những trung tâm duy nhất lúa nước của cư dân Bách Việt hay còn gọi là người Việt Cổ chúng ta. Có được văn minh lúa nước, có được bộ lịch âm lịch, người Việt Nam đã ăn Tết theo mùa và được tính theo Tiết mà ngày nay đã được gọi là Tết“.

Như vậy theo ông, “Tết cổ truyền nông nghiệp không tồn tại hay phát xuất ở vùng hiện nay là lãnh thổ phía Bắc sông Hoàng Hà của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vốn là lãnh thổ gốc của cư dân du mục phương Bắc. Tết cổ truyền nông nghiệp gắn liền với văn hóa nước mắm và tục trầu cau Việt Nam – Đông Nam Á.

Đây là vấn đề tranh luận cần được khép lại khi Tết cổ truyền đã được sử dụng hàng ngàn năm nay, là nền tảng của nền văn hóa ẩm thực lúa nước đặc sắc lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, là nhà bếp trị bệnh cho cả thế giới trong thời đại hội nhập toàn cầu“.

Theo VnExpress