Ngoài Bộ trưởng Y tế vừa công khai facebook cá nhân, Phó chủ tịch Nam Định, Phó chủ nhiệm Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đang dùng mạng xã hội để tiếp nhận ý kiến.
Mới công khai trang Facebook ngày 28/2, nhưng đến trưa 5/3 fanpage của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có hơn 120.000 lượt thích (like). Những chia sẻ, ý kiến phản ánh của người dân dồn dập gửi đến nữ Bộ trưởng. Đây là lần đầu tiên, một Bộ trưởng Việt Nam tuyên bố sở hữu fanpage chính thức.
Theo văn phòng Bộ Y tế, Bộ trưởng Tiến công khai trang cá nhân với mục đích cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế, đồng thời tiếp nhận những phản ảnh của người dân. Trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà xem Facebook là một kênh thông tin hữu ích. Bà sẵn sàng lắng nghe các góp ý từ người bệnh, người dân về các chính sách và các hoạt động của ngành. Tiến sĩ Hà Anh Đức, thư ký Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, fanpage của Bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận. Sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xử lý thích hợp. “Nhưng có những lúc đi trên ôtô mở iPad hay buổi tối, Bộ trưởng cũng cố gắng tranh thủ xem và trả lời các thông tin mà người dân cung cấp thông qua kênh mạng xã hội”, thư ký của Bộ trưởng Y tế thông tin.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cũng thường xuyên sử dụng Facebook làm kênh tiếp nhận và xử lý thông tin trong lĩnh vực của mình. Faecbook của TS Khuất Việt Hùng được cư dân mạng đánh giá là cởi mở khi ông thường xuyên đưa những thông tin thiết thực về an toàn giao thông. Trong dịp Tết, ông Hùng đã đăng tải nhiều thông tin hữu ích như cảnh báo về xe nhồi nhét, tiếp nhận những thông tin về các vụ tai nạn, các nhà xe chở khách quá tải… Ông cho biết, Facebook đã giúp ông rất nhiều trong việc tuyên truyền về an toàn giao thông. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, vị Phó chủ tịch này sẵn sàng gọi điện chỉ đạo hoặc làm công văn để xử lý vụ việc. Không chỉ sử dụng Facebook như công cụ tuyên truyền về an toàn giao thông, TS Khuất Việt Hùng cũng đăng tải những hình ảnh của ông và gia đình, những chuyến công tác xuôi ngược khiến người dân hiểu hơn về hoạt động và đời sống của Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.
Trước đó, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có những chia sẻ bất ngờ trên facebook về 100 ngày đầu tiên tại vị trí mới. Ông đã nêu những dự định của mình về chính phủ điện tử, về cải cách hành chính như “giao việc qua email thay cho bút phê vào công văn, giấy tờ”. Chia sẻ trên facebook, ông Bạch Ngọc Chiến viết “thời gian vào Facebook của tôi không nhiều, chủ yếu là cuối giờ tối”. Vấn đề ông Chiến ưu tiên là những việc ông cần sự góp ý, giúp đỡ từ phía những bạn bè trên Faecbook. Ông Bạch Ngọc Chiến cũng công khai địa chỉ email để tiếp nhận các góp ý và đề xuất của người dân. “Có thể tôi không thể trả lời hết được các tin nhắn hoặc email nhưng tôi sẽ đọc hết và xử lý các việc thuộc thẩm quyền của tôi. Vấn đề nào nằm ngoài thẩm quyền và khả năng của tôi sẽ được chuyển đến những địa chỉ phù hợp”, Phó chủ tịch UBND Nam Định cho biết. Hoan nghênh xu hướng chính khách công khai Facebook, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội) cho rằng, đây là cánh cửa để chính khách tiếp xúc với người dân, lắng nghe dân. Theo ông, điều người dân hy vọng nhất là họ được lắng nghe và được giải quyết những nguyện vọng chính đáng. “Ngược lại, qua mạng xã hội, chính khách cũng có thể giải thích những điều mà người dân hiểu sai, những nguyện vọng tuy đúng nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Trong trường hợp phát hiện chính sách, pháp luật không phù hợp nhưng vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình, chính khách có thể kiến nghị với các cấp cao hơn để sửa đổi”, ông Thuyết chia sẻ. Đầu năm 2015, tại hội nghị tổng kết của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải “bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và cung cấp thông tin cho công chúng”. Theo Thủ tướng, hiện, lĩnh vực thông tin không chỉ có các loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) mà còn có mạng xã hội. “Điện thoại bật ra là có, lên Facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi. Vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội? Chúng ta không ngăn và cũng không cấm được đâu, quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người ta có lòng tin đúng, ai nói thì nói trên mạng nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ”, Thủ tướng nói. Bên cạnh những trang cá nhân trên Faecbook được công khai chính thức, trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang Facebok giả mạo chính khách. Các tài khoản Facebook hoặc fanpage trùng tên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Công Khanh |
Theo Zing