Tinh Hoa

Chim cánh cụt ngại “yêu” vì quá nóng?

Trong một nghiên cứu trọn vẹn đầu tiên về việc sinh sản của loài chim cánh cụt chinstrap trên khắp đảo Deception ở Nam cực, các nhà khoa học phát hiện, nhiệt độ tăng lên là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm đáng kể số lượng con non ra đời kể từ những năm 1980.||

Chim cánh cụt chinstrap trên đảo Deception, Nam cực. Ảnh: Live Science

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng, vùng Baily Head trên đảo Deception, Nam cực – lãnh địa lớn nhất của chim cánh cụt chinstrap cũng chứng kiến sự biến mất của 50% con non trong 2 thập kỷ qua.

Theo trang Live Science, Heather Lynch – phó giáo sư chuyên ngành sinh thái học và tiến hóa tại Đại học Stony Brook (Mỹ) – và các cộng sự đã tiến hành khảo sát trên toàn bộ hòn đảo ở Nam cực suốt 12 ngày, “trong những điều kiện khắc nghiệt nhất – mây mù, mưa tuyết và gió rít dai dẳng”. Nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 79.849 cặp chim cánh cụt chinstrap sinh sản ở đảo Deception, bao gồm cả 50.408 cặp tại vùng Baily Head.

Sau đó, bằng cách so sánh các con số cập nhật với những ước tính về số lượng chim cánh cụt trước đó, họ phát hiện bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự sụt giảm tới ½ số chim cánh cụt chinstrap sinh sản ở vùng Baily Head kể từ những năm 1986 – 1987.

Chuyên gia Lynch nhận định: “Mặc dù nhấn mạnh rất nhiều đến cộng đồng quản lý và chính sách về ảnh hưởng tiềm tàng của ngành du lịch đối với số lượng loài chim cánh cụt này, chúng ta không thể quên bằng chứng mạnh mẽ về việc khí hậu gánh một phần trách nhiệm trước những thay đổi lớn ở Nam cực. Ngành du lịch chỉ gây ra một tác động tiêu cực quá nhỏ so với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.

Vào những năm 1990, một số nhà khoa học từng cho rằng, băng tan tạo điều kiện thuật lợi cho chim cánh cụt chinstrap – loài vốn ưa nước không có băng. Tuy nhiên, việc suy giảm băng trên biển vào mùa đông đã đến mức ảnh hưởng tới thức ăn yêu thích của chim cánh cụt – các sinh vật nhuyễn thể, theo Andres Barbosa đến từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên quốc gia Tây Ban Nha.

Tuấn Anh