Bút laser-công cụ thường dùng trong thuyết trình hoặc xuất hiện dưới dạng đồ chơi trẻ em lại đang trở thành vũ khí lý tưởng cho người biểu tình Chile vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV) của cảnh sát nước này.
Video xuất hiện lần đầu trên Reddit cho thấy, một nhóm người biểu tình Chile cùng chiếu 40-50 tia laser thẳng lên chiếc UAV cảnh sát đang bay trên cao. Khoảng 20 giây sau đó, chiếc UAV mất khả năng hoạt động và rơi xuống mặt đất.
Khi không bị chiếu laser, chiếc UAV vẫn lấy lại được kiểm soát. Khoảng 10 giây sau, người biểu tình lại tiếp tục chiếu thẳng laser vào chiếc UAV và cuối cùng thiết bị rơi thẳng xuống đám đông.
Video: Người biểu tình Chile vô hiệu hóa UAV của cảnh sát bằng bút laser
Tờ Daily Mail ngày 15/11 đưa tin vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến laser bỏ túi lại có thể hạ được UAV.
Theo giải thích của Christopher Williams, CEO của công ty Citadel Defense đang hợp tác với chính phủ Mỹ chuyên về chống UAV, laser có thể “làm mù phi công điều khiển UAV”. Phi công điều khiển UAV từ xa và laser có thể khiến camera định vị trên thiết bị này quá tải khiến người điều khiển từ xa mất phương hướng.
Một lý giải khác là laser có thể tác động đến cảm biến hạ cánh của UAV, khiến thiết bị này tự động hạ cánh không kiểm soát.
Có ý kiến cho rằng khi 40-50 chiếc laser cùng chiếu vào một điểm, có thể tạo ra năng lượng 3.000 milliwatt đủ để làm vỡ bóng bay hoặc khiến diêm tóe lửa.
Tuy nhiên, trên thực thế, laser bỏ túi chỉ có giá 15-20 USD chỉ phát ra tia đạt mức 3-5 milliwatt. Do vậy, kể cả khi hội tụ 50 laser bỏ túi thì năng lượng bỏ ra chưa đủ để xuyên qua lớp vỏ của UAV.
Ý kiến khác lại cho rằng đơn giản chiếc UAV cảnh sát Chile khi đó hết pin bởi thiết bị này chỉ đủ năng lượng bay liên tục trong 20-30 phút.
Theo Reuters, tình trạng bất ổn tại Chile bùng phát từ hôm 14/10 khi hơn 1,2 triệu người dân bắt đầu xuống đường biểu tình, phản đối tình trạng người lao động bị trả lương rẻ mạt, chất lượng hệ thống giáo dục và y tế tồi tệ, trong khi chi phí cho các dịch vụ đời sống cơ bản bị cho là cao quá khả năng chi trả của đa số người dân. Người biểu tình cũng yêu cầu Tổng thống Sebastian Pinera từ chức.
Tổng thống Pinera sau đó đã công khai xin lỗi người dân Chile, cho biết chính phủ không lường trước được tình trạng bất ổn xã hội bùng nổ, đồng thời công bố một loạt biện pháp nhằm xoa dịu dư luận như tăng lương hưu và lương tối thiểu. Tuy nhiên, những nhượng bộ của ông Pinera đã không thể làm giảm căng thẳng tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Fox News, những tuần qua Chile rúng động trong những đợt biểu tình căng thẳng. Bạo loạn, đốt phá, trong nhiều tuần qua đã làm ít nhất 18 người chết, 2500 bị thương, khoảng 7000 người bị bắt và các doanh nghiệp tổn thất khoảng 1,4 tỷ USD. Những tổn thất với hệ thống giao thông tàu điện ngầm của thành phố thủ đô Santiago ước tính khoảng 400 triệu USD.
Thiện Thành (t/h)