Tối 22/8, nhiều người Sài Gòn, Đồng Nai bất ngờ khi chứng kiến trận mưa đá hiếm gặp, có những hạt lớn hơn 3cm, thậm chí có hạt 4-5cm…. Sự việc gây xôn xao trên cộng đồng mạng, một số người cho rằng đây là điềm báo không lành.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, tối ngày 22/8, mưa đá bất ngờ xuất hiện tại một số phường trên địa bàn TP. Thủ Đức (TP.HCM). Hiện tượng này đã được nhiều người dân ghi lại và đăng lên mạng xã hội.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, giải thích hiện tượng trên, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ông Lê Đình Quyết cho biết, mưa đá xuất hiện do nhiễu động không khí đẩy hơi ẩm lên cao gặp tầng nhiệt độ thấp gây ra.
Mưa đá thường xuất hiện vào tháng 5-6 hoặc cuối mùa mưa, thời điểm này có mưa đá theo ông Quyết nhận định là bất thường.
Theo ông, thời gian gần đây áp cao cận nhiệt đới ở biển Đông đang lấn tây, đẩy ẩm ở ngoài biển vào, tạo ra nhiễu động gió đông. Bản chất của áp cao cận nhiệt đới tạo ra nhiệt độ cao. Khi có nhiễu động, không khí có sự xáo trộn lớn sẽ hình thành mưa đá.
Ghi nhận từ người dân, hạt mưa đá có kích thước gần bằng 1 đốt tay, nhưng cũng có những hạt to tới gần 2 đốt tay.
Anh H.T, người dân TP. Thủ Đức cho biết, khoảng hơn 18 giờ, khi anh đang cùng gia đình ngồi trong nhà thì bỗng nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp rất lớn trên mái tôn. Chạy ra ngoài xem thì thấy có mưa đá với những hạt to bằng ngón tay.
Mưa đá hơn 5 phút thì hết và chuyển lại qua mưa bình thường. Anh cho biết, dù năm nay hơn 30 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên thấy mưa đá.
Tương tự, anh Nguyễn Minh H. (24 tuổi, trú tại P.Linh Trung) cũng cho biết, khi trời sập tối đã nghe tiếng mưa rất lớn, mọi người ai cũng lo lắng khi phát hiện mưa đá vì sợ ảnh hưởng mái tôn.
Không chỉ ở TP.HCM, cùng thời điểm, tại nhiều khu vực ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai như Tân Vạn, Long Bình Tân, An Bình, Long Bình, An Hòa cũng có mưa đá, trong đó có những viên lớn hơn 3cm, thậm chí có viên 4-5cm.
Giải thích lý do, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai, ông Nguyễn Phước Huy cho biết, mưa đá thường xuất hiện ở khu vực hẹp, chỉ 1-2 khu phố của phường nào đó, có thể do mưa đá ở phía đông TP. HCM dính một phần qua TP. Biên Hòa.
Cũng theo ông Huy, dù hiện đang trong mùa mưa nhưng mưa không đều, chiều tối có mưa dông kèm sấm sét bất thường, kể cả mưa đá. Ông Huy khuyến cáo, lúc có dông sét người dân nên hạn chế ở ngoài, ở nhà không đứng gần khu vực cửa sổ và các vật bằng kim loại, tắt đồ dùng bằng điện tử khi gặp dông sét lớn. Lực lượng trực chốt kiểm soát chằng chống lều bạt kỹ lưỡng tránh dông lốc làm ngã đổ.
Sau khi những hình ảnh về cơn mưa đá tại TP.HCM và Đồng Nai được chia sẻ trên mạng xã hội, đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng đây là dị tượng báo trước điều không lành.
“Mưa đá là khổ lắm đó”, “Dự là điềm không lành. Nhớ tết năm 2020 Hà Nội cũng mưa lớn ngay đêm giao thừa. Sau đó là: dịch bệnh, thiên tai…”, “Hiện tượng mưa đá là điềm báo không tốt”,… một số cư dân mạng bình luận.
Được biết, từ đầu năm đến nay, mưa đá đã xuất hiện ở Đồng Nai, Bình Dương và thỉnh thoảng xuất hiện tại khu vực TP.HCM.
Yên Yên (t/h)