JD.com là đối thủ truyền kiếp của Alibaba trên mặt trận thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Tập đoàn Alibaba vốn “xưng hùng” thị trường thương mại điện tử Trung Quốc bấy lâu nay, nhưng gần đây phải luôn đề cao cảnh giác trước những cái tên mới cùng ngành. Trong đó, JD.com là đối thủ lâu đời mang lại nhiều mối đe dọa nhất. Có lẽ phải dùng từ “ghét nhau như chó với mèo” để miêu tả cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn này, khi mà hài hước thay, linh vật của trang mua sắm Tmall Alibaba là mèo, còn JD.com là hình chú cún. Toàn cảnh “chiến trận online” ở Trung Quốc Khác với Alibaba, JD.com mua hàng từ các nhà cung cấp rồi bán trực tiếp cho khách hàng. JD.com còn duy trì thị trường cho các hãng bán hàng và trả hoa hồng cho JD.com. Còn Alibaba, thực chất công ty này không bán sản phẩm mà là kết nối người bán với người mua, kiếm tiền qua quảng cáo và các dịch vụ khác cung cấp cho hàng triệu cá nhân sử dụng thị trường. 80% doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc thu về tay Alibaba. Vị thế này được bảo đảm nhờ có trang Taobao sôi động với ngót nghét 8 triệu người bán, trong đó có rất nhiều cá nhân. Ngang vai với Taobao, JD.com có Paipai, quy mô nhỏ hơn và chưa thấy tiết lộ số lượng người bán chính xác. Nhưng theo số liệu của iResearch, trong phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của thị trường bán lẻ trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp bán hàng online và sàn thương mại điện tử lớn như Tmall, Alibaba chỉ chiếm 58,6% trong quý đầu năm 2015, không khác mấy so với năm ngoái, trong khi JD.com đã bật nhảy từ 19,2% lên 22,8%. Tuy tổng lượng giao dịch năm ngoái của Alibaba là 411 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với năm đối thủ lớn cộng lại, nhưng công ty vẫn phải thừa nhận rằng sức ép cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt hơn, nhất là khi có các đối thủ ở thị trường ngách như nhà bán mỹ phẩm trực tuyến Jumei International, nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Vipshop hay như Yihaodian – cửa hàng tạp hóa online bị Wal-Mart mua lại trong tháng 7 vừa rồi. Alibaba “chèo kéo” khách sộp như thế nào? Nhờ duy trì doanh số ấn tượng cho các sản phẩm quần áo thông dụng của hãng Uniqlo trên trang web mua sắm, Alibaba đã thể hiện vị trí đứng đầu trong mảng bán lẻ trực tuyến toàn cầu với lượng giao dịch lên tới 441 tỉ USD trong năm ngoái. Còn mấy tháng gần đây, Alibaba cũng như nhiều trang mua sắm online khác đang cố “dỗ dành” các thương hiệu lớn ký hợp đồng độc quyền bằng các gói khuyến mại lớn, cũng như không quên đả kích nhau trên truyền thông. Cuối tháng Tư vừa qua, Jack Ma đã gửi lời giới thiệu đến riêng ngài Tadashi Yanai, lãnh đạo Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo và cũng là nhà sản xuất quần áo lớn nhất châu Á. Trước đó, Fast Retailing mới bắt đầu bán sản phẩm của Uniqlo trên JD.com, doanh số cũng rất đáng nể. Nhưng Jack Ma nói với ngài Yanai rằng nếu Uniqlo tiếp tục “trung thành” với Alibaba, công ty sẽ tạo điều kiện cho Uniqlo tăng lưu lượng truy cập và doanh số. Thế là tới tháng 7, Uniqlo liền rút chân khỏi JD.com thật, với lý do “không phù hợp với chiến lược”. Phía JD đồ rằng sự ra đi này không chỉ đơn thuần do hiệu quả kinh doanh thôi đâu, vì lượng cầu rõ ràng rất mạnh. Nhưng Uniqlo chỉ đáp lại bằng… im lặng. Chỉ trong vài tháng vừa qua, Alibaba đã xúc tiến ký hợp đồng với hơn 160 nhãn hiệu nhằm thúc đẩy giao dịch lên 30 tỷ NDT, trong đó có ít nhất 20 nhãn hiệu như nhà sản xuất trang phục ngoài trời Timberland và chuỗi cửa hàng đồ thể thao Decathlon, dự định bán hàng độc quyền trên Tmall. Haoyu Shen, CEO của JD Mall – đối thủ ngang hàng của Tmall cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại về các hợp đồng này. Tôi không nghĩ Alibaba làm vậy chỉ vì mục đích lợi ích thương hiệu cho riêng mình đâu.” Đầu năm nay, Alibaba thuyết phục hãng thể thao Fjallraven của Thụy Điển bán hàng độc quyền trên Tmall, đổi lại là lời hứa tăng lưu lượng truy cập cho cửa hàng. Trước đó, Jjallraven đã tham gia JD.com và các trang web khác. “Chúng tôi có điều kiện tốt”, bao gồm mức nổi bật trên trang, giá quảng cáo chiết khấu, Lin Mingwen, tổng giám đốc của Fenix Outdoor tại Trung Quốc, công ty mẹ của Fjallraven. Ông Lin kỳ vọng doanh số bán online của Fjallraven tăng gấp năm lần so với năm ngoái. Trước khi thỏa thuận, Fjallraven đã phải định giá thấp hơn trên Tmall so với các trang khác để tham gia cuộc khuyến mãi lớn của Alibaba. Giờ Fjallraven bán độc quyền trên Tmall và định giá linh hoạt hơn. Tmall của Alibaba đang là quán quân của thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Nhưng á quân JD.com đang đuổi theo sát sao và thu hẹp khoảng cách. JD.com đáp trả bằng gì? Năm trước, Jack Ma nói “rồi JD.com sẽ rơi vào thảm kịch” để rồi phải xin lỗi vì phát ngôn này. Jeff Zhang, chủ tịch thị trường bán lẻ của Alibaba thì nói rằng “Alibaba làm gì, JD sẽ làm theo ngay tức khắc”, ông này ám chỉ tới các sáng kiến của Alibaba như tiến vào thị trường nông thôn, nước ngoài, điện toán đám mây và thanh toán qua mạng. Đáp lại, một văn phòng thuộc trụ sở tại Bắc Kinh của JD được trang trí với các biểu ngữ màu đỏ với khẩu hiệu: “Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu đến cùng, quyết giành hạng nhất!” JD từng thoát khỏi án phạt vì bán hàng giả, hàng nhái trên các trang mua sắm online. Đây là vấn đề khiến Alibaba và các công ty khác phải đau đầu. Vì thế, JD khẳng định rằng mình có thể đảm bảo hàng hóa được rao bán là thật, một phần vì công ty kiểm soát kho hàng riêng. Tháng 7 vừa qua Richard Loi, nhà sáng lập của JD phát biểu: “JD là trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc dành cho những ai coi trọng chất lượng và tính chân thực”, có thể coi là một lời “đá xoáy” đáp trả dành cho Alibaba. Một nhãn hiệu cao cấp của Ý đã chọn JD.com làm nơi mở cửa hàng chứ không phải Tmall bởi JD có hứa bằng văn bản là cấm tiệt mọi sản phẩm giả mạo, chợ đen của họ khỏi trang web. JD.com nói mình luôn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu dù có được có tên trong danh sách trên website hay không. Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ/WSJ Alibaba – Đế chế Công nghệ mới của thế giới
Alibaba – Đế chế Công nghệ mới của thế giới |
Theo GenK