Hôm 7/12, Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua một quyết định mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên thiết lập khuôn khổ trừng phạt nhân quyền toàn cầu, tương tự Đạo luật Magnitsky, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới.
EU gọi đạo luật mới này (tạm dịch) là Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu, viết tắt theo tiếng Anh là EUGHRSR. Việc thiết lập đạo luật này là một phần trong Kế hoạch Hành động của EU về Nhân quyền và Dân chủ cho giai đoạn 2020-2024 đã được Hội đồng EU thông qua vào tháng trước.
Được đánh giá là không sâu rộng như Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ, không bao gồm các tội tham nhũng. Các hành vi được EUGHRSR đề cập là diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác, nô lệ, hành quyết và giết người ngoài tư pháp, trực tiếp hoặc tùy tiện, cưỡng chế người mất tích, bắt giữ hoặc giam giữ tùy tiện.
EUGHRSR có thể cấm thủ phạm nhập cảnh vào Liên minh Châu Âu, đóng băng tài sản của thủ phạm trong Liên minh Châu Âu và cấm mọi người ở Liên minh Châu Âu cung cấp tiền và nguồn lực kinh tế cho thủ phạm.
Quyết định có tính đột phá này của EU được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, còn được gọi là Ngày Nhân quyền (10/12).
“Kế hoạch Hành động này là một cơ hội để phục hồi hoạt động nhân quyền và dân chủ của chúng ta”, EU cho biết trong thông cáo ngày 9/12. “Việc thiết lập Đạo luật trừng phạt nhân quyền toàn cầu của EU là một biện pháp hữu hình khác sẽ giúp tăng cường hơn nữa hành động tập thể của chúng ta về nhân quyền”.
Tại sao EUGHRSR là một chiến thắng lớn?
Đạo luật mới về nhân quyền của EU sẽ bịt hết mọi lối thoát mà những tội phạm nhân quyền lớn, như Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể tìm thấy.
EU không nói quá khi cho rằng “Việc thiết lập EUGHRSR là một sáng kiến mang tính bước ngoặt nhấn mạnh quyết tâm của EU trong việc nâng cao vai trò của mình nhằm giải quyết các vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới”.
Trước đó, các nước như Canada, Mỹ, Anh hay các quốc gia vùng Baltic cũng đã thông qua Đạo luật Magnitsky. Với việc EU cũng đứng vào hàng ngũ chống lại tội phạm nhân quyền, sẽ tạo thành một mặt trận lớn trên toàn thế giới, hỗ trợ sĩ khí và tiếp sức cho những nạn nhân bị bức hại dưới các chế độ độc tài tà ác.
Từ Thức (t/h)