TTO – Cuộc đối đầu giữa Nhật và Trung Quốc trên biển Hoa Đông trở nên căng thẳng khi ngày nào Tokyo cũng phải triển khai máy bay chiến đấu chặn máy bay nước láng giềng.
Theo báo New York Times, các tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật (ASDF) tiết lộ ngày nào ít nhất một lần máy bay chiến đấu F-15 của Nhật cũng phải cất cánh từ căn cứ ở đảo Naha để chặn đầu máy bay Trung Quốc trên bầu trời biển Hoa Đông. Phần lớn máy bay Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này là máy bay do thám, luôn bay sát không phận Nhật trước khi quay đầu. Tuy nhiên số lượng máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này đang gia tăng. Nhiệm vụ căng thẳng “Chặn đầu máy bay chiến đấu luôn là nhiệm vụ rất căng thẳng – NYT dẫn lời trung tá Hiroyuki Uemura, chỉ huy đội bay gồm 20 chiếc chiến đấu cơ F-15 đóng ở căn cứ không quân Naha – Chúng tôi không bao giờ khiêu khích mà chỉ giữ vững vị trí của mình”. Để đối phó với sự khiêu khích thường xuyên, lực lượng Nhật tại Naha liên tục tập trận. Trong năm nay, căn cứ Naha sẽ tăng cường thêm một đội bay F-15 nữa trong năm nay. Tính trong chín tháng đến tháng 12-2014, chiến đấu cơ Nhật đã được triển khai đển chặn máy bay Trung Quốc 379 lần, cao gấp sáu lần năm 2010. Giới quan sát nhận định những cuộc đối đầu trên không như thế đã biến biển Hoa Đông thành một trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo một cuộc đụng độ ngoài ý muốn có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Việc Nhật không nhượng bộ trước thách thức từ Trung Quốc cũng cho thấy chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Á để tạo thế cân bằng cần thiết trước trỗi dậy của Bắc Kinh. “Nhật hiểu rằng với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, nước này cần tư duy khác đi – chuyên gia Sheila Smith thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) nhận định – Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II Nhật phải đặt câu hỏi là một kế hoạch phòng vệ độc lập là như thế nào”. Hiện Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) phải thực thi những nhiệm vụ căng thẳng nhất ngoài khơi đảo Okinawa. Căn cứ Naha chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền khoảng 20 phút bay. Trong vài năm qua, Trung Quốc liên tục điều tàu tuần tra và máy bay tới tiếp cận khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Để đối phó, Nhật thường xuyên triển khai máy bay chiến đấu và máy bay radar hiện đại E-2 để ngăn chặn. Tokyo cũng đã xây một hệ thống radar ở đảo Yonaguni gần đó. Sức mạnh hải quân Các quan chức quân sự Mỹ đánh giá đội ngũ mạnh nhất của SDF là Lực lượng phòng vệ biển (MSDF). MSDF được đánh giá là lực lượng hải quân hùng mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau hải quân Mỹ với hàng loạt tàu chiến hiện đại, bao gồm các tàu khu trục được trang bị hệ thống phong thủ tên lửa Aegis. Giới quan sát nhận định MSDF sẽ giúp Nhật ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Sức mạnh của MSDF được thể hiện rõ ràng trong cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của 30 tàu chiến Mỹ và Nhật hồi tháng 11-2014. Khi đó, tàu sân bay Mỹ USS George Washington và tàu khu trục tên lửa Nhật Kirishima cùng hoạt động song song. Đó là lần đầu tiên một đô đốc hải quân Nhật chỉ huy mọi hoạt động của lực lượng cả hai nước trong một cuộc tập trận. “MSDF là đồng minh trên biển hùng mạnh nhất mà chúng ta có” – phó đô đốc Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đánh giá. Dù Trung Quốc đã có tàu sân bay đầu tiên từ năm 2012, Nhật vẫn được đánh giá là có lợi thế sức mạnh hải quân cách xa Trung Quốc hàng thập kỷ. MSDF có kinh nghiệm vận hành tàu chiến lớn, sở hữu trong tay nhiều tàu khu trục cực kỳ hiện đại và có hạm đội tàu ngầm thuộc vào loại chạy êm nhất thế giới. Cuối năm ngoái, Nhật bắt đầu đưa vào sử dụng tàu sân bay nhỏ Izumo có khả năng chở máy bay chiến đấu lên thẳng. Tàu Izumo là một phần trong chiến lược quân sự di động của Nhật nhằm bảo vệ các đảo xa trước sự đe dọa của Trung Quốc. NGUYỆT PHƯƠNG
|
Theo Tuổi Trẻ