Tinh Hoa

Chiếc khinh khí cầu chạy bằng năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới

Chiếc khinh khí cầu lớn nhất tại Trung Quốc vừa trải qua quá trình bay thử nghiệm trên bầu trời. Điều đặc biệt là nó có thể bay liên tục trong suốt 6 tháng bởi nguồn năng lượng được tổng hợp từ ánh sáng mặt trời.

Chiếc siêu khinh khí cầu lớn nhất thế giới hiện nay là chiếc Aerocraft ML866 vẫn còn đang trong giai đoạn chế tạo, nhưng chiếc khinh khí cầu lớn nhất Trung Quốc hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời vừa mới trải qua giai đoạn bay thử trực tiếp trên khu vực cận vũ trụ của bầu khí quyển

Chiếc siêu khinh khí cầu này có tên gọi là Yuanmeng (có nghĩa là “Giấc mơ”) đến từ Trung Quốc, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trong tháng 10 này. Lộ trình bay bắt đầu từ vùng Xilinhot ở Nội Mông nhằm kiểm tra hệ thống máy móc và năng lực vận hành.

Theo các bản báo cáo, chiếc khinh khí cầu dài 75m này đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm kéo dài suốt 48 giờ ở độ cao 20km so với mặt nước biển. Trong lần thử nghiệm này, khí cầu đã mang theo lô hàng hóa nặng khoảng từ 5 đến 7 tấn, bao gồm hệ thống đường truyền Internet băng thông rộng, hệ thống truyền phát dữ liệu, hệ thống giám sát không gian và hệ thống chụp ảnh trên không. Đây đều là những hệ thống có khả năng hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời.

Với chiều dài cực đại, chiếc siêu khinh khí cầu Yuanmeng này có một kích thước vô cùng lớn khi được bơm đầy lượng khí bay xấp xỉ 18.000 mét khối. Yuanmeng cao tổng cộng 22m và có thể mang theo một khối lượng nặng từ 4,5 đến 6,3 tấn. Theo các nhà sản xuất, Yuanmeng sử dụng khí heli để bay và phụ thuộc phần lớn vào năng lượng mặt trời để cung cấp cho hệ thống điện tử khi đang hoạt động trên không trung. Chiếc khinh khí cầu này có thể bay liên tục trong 6 tháng không nghỉ và nguồn năng lượng được tổng hợp từ tia sáng Mặt Trời nhờ vào các tấm pano Mặt Trời đặt trên đỉnh của khinh khí cầu.

Theo báo chí Trung Quốc, chiếc siêu khinh khí cầu Yuanmeng sẽ được sử dụng cho mục đích viễn thông. Nó sẽ được tích hợp nhiều chức năng bao gồm hệ thống truyền thông băng thông rộng, tiếp âm dữ liệu, quan trắc địa hình với hình ảnh có độ nét cao cũng như chụp ảnh không gian vũ trụ.

Chiếc khinh khí cầu dùng năng lượng Mặt Trời và khí heli này đã đánh dấu sự trở lại của việc áp dụng công nghệ cao đổi mới những phương thức di chuyển đã cũ. Yuanmeng sẽ mở ra những chuyến du hành đầy vui vẻ và tuyệt vời trên bầu trời cao và kéo dài suốt nhiều ngày tháng.

Khí cầu Yuanmeng do Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh và Khoa Vũ trụ Hàng không của Đại học Bắc Kinh thiết kế và phát triển. Khí cầu này được phát triển phục vụ mục đích dân sự như theo dõi thời tiết, đánh giá về các vụ mùa và hỗ trợ các chương trình tìm kiếm cứu nạn.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia hàng không đã nhận định hoạt động trên khu vực cận vũ trụ cho phép khí cầu có tầm nhìn rõ ràng trên một khu vực rộng lớn, điều rất quan trọng cho các hệ thống radar và vệ tinh theo dõi. Tăng khả năng theo dõi đồng nghĩa với việc tăng thời gian cảnh báo sớm những mối đe dọa “tàng hình” như tên lửa đạn đạo, qua đó cho phép các lực lượng của quân đội Trung Quốc sớm phát hiện và bắn hạ những mối đe dọa như vậy.

Theo GenK