Tinh Hoa

Chỉ 2% người Việt Nam tự nhận mình là người nghèo

Chiều 14/3, Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo (HILL ASEAN) công bố kết quả nghiên cứu thị trường về “Tầng lớp trung lưu không giới hạn”, trong đó chỉ 2% người Việt Nam nhận mình là người nghèo.

Chỉ 2% người Việt Nam tự nhận mình nghèo

Theo báo cáo này, có 96% người Việt Nam tự nhận mình “Tầng lớp trung lưu không giới hạn” (khái niệm đề cập những người tự cho mình là tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế), 2% nói mình thuộc tầng lớp thượng lưu và chỉ 2% tự nhận mình nghèo.

Trong khi ở Singapore có số người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu là 85%, và giới trung lưu tính theo thu nhập thực tế là 45%; Thái Lan tỷ lệ này lần lượt là 80% và 72%; con số này ở Malaysia lần lượt là 72% và 56%; và Indonesia là 72% và 56%.

Mức thu nhập thực tế hộ gia đình mà khảo sát của Hill ASEAN xác định tầng lớp trung lưu là 3.000-15.000 USD/năm, theo đó số người khảo sát đủ chuẩn tại Việt Nam chiếm 50%. Chỉ có 2% người Việt Nam trong diện khảo sát tự nhận mình nghèo, 2% còn lại thừa nhận thuộc tầng lớp thượng lưu.

HILL ASEAN cho rằng, cần tái định nghĩa về “tầng lớp trung lưu” là điều cần thiết cho mô hình “lối sống ước mơ” là quan điểm mới của tầng lớp trung lưu khu vực ASEAN. Trước đây, khái niệm trung lưu thường được xác định bằng thu nhập, nhưng nghiên cứu cho thấy một phân khúc lớn những người tự xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu.

Tại Việt Nam 96% người tự xem mình thuộc tầng lớp trung lưu và nhóm này cho biết họ thường tìm ra cách sống và cách kiếm thu nhập để sống theo lối sống mơ ước mà không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có. Phần lớn trong số họ tìm cách cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, chủ yếu bằng các nguồn thu nhập từ thứ hai trở đi ngoài công việc chính.

Báo cáo lưu ý rằng: “Xu hướng này thể hiện sự thay đổi từ việc sống một cuộc sống phù hợp với khả năng sang tìm cách chi trả cho cuộc sống mà mình mong muốn”.

Không giống như tầng lớp trung lưu truyền thống luôn tiêu dùng thận trọng, tầng lớp “trung lưu không giới hạn” lại xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích (giá trị) không quan trọng bằng thứ mà họ chi tiêu để đạt được mục đích sống.

Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy quan điểm của tầng lớp trung lưu giữa Hà Nội và TPHCM cũng khác nhau. Tại TPHCM, những người thuộc tầng lớp trung lưu đang cố gắng tiến vào tầng lớp thượng lưu bằng cách tự cá nhân mình tìm kiếm cơ hội. Trái lại, ở Hà Nội mọi người tìm kiếm sự ổn định với thái độ tập thể và cố gắng để không rơi xuống tầng lớp thấp hơn.

Báo cáo cho rằng sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu khu vực ASEAN là mạnh mẽ khi thu nhập hộ gia đình ở các nước này được cải thiện nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ chiếm đa số và quyết định thị trường tiêu dùng ASEAN.

HILL ASEAN ước tính năm 2015 tổng dân số tại 5 nước thuộc cuộc khảo sát này (gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia) là 450 triệu người thì tầng lớp trung lưu lên đến 240 triệu. Ước đến năm 2020 con số này là 470 và 290 triệu.

Hakuhodo ra đời tại Nhật năm 1981 và hoạt động tại ASEAN kể từ năm 2014, là tổ chức nghiên cứu độc lập hỗ trợ hoạt động tiếp thị của các công ty trong khu vực ASEAN đồng thời nâng cao hiểu biết ở từng quốc gia và đưa ra những đề xuất về phong cách sống của khu vực trong tương lai.

Cuộc khảo sát lần này được HILL ASEAN thực hiện với 2.500 người ở lứa tuổi từ 20-59 thuộc tất cả các tầng lớp kinh tế xã hội. Riêng mẫu khảo sát cho thị trường Việt Nam là 500.

Theo nguoidothi.vn