Rừng thông hàng chục năm tuổi ở núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sau 3 ngày cháy thì đến rạng sáng 30/6, lửa lại bùng cháy dữ dội trở lại. Hàng ngàn người túc trực dập lửa liên tục giải cứu cánh rừng. Trong đó có những nghĩa cử cao đẹp khiến người ta khâm phục.
Trong buổi sáng hôm đó, giao thông qua quốc lộ 1A đoạn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân bị phong tỏa để xe chữa cháy tiếp nước và đề phòng nguy hiểm. Các trạm xăng dầu dưới chân núi Hồng Lĩnh phải tạm ngừng hoạt động. Một số hộ dân cũng tạm thời di chuyển đến nơi an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cũng đã huy động, điều động khoảng 15.000 người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, và những người dân… tham gia mở đường băng cản lửa, dập lửa. Do địa hình đồi núi dốc, gió Lào quật mạnh, nắng nóng lâu ngày nên lớp thực bì bắt lửa dữ dội và nguy cơ bùng cháy trở lại là rất lớn.
Suốt những ngày cháy liên tiếp đó đã có những nghĩa cử cao đẹp khiến người ta cảm thấy khâm phục.
Video: Toàn cảnh vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh. (Nguồn: VTC1)
Người đàn ông quên mình giải cứu rừng
Đám cháy được ví như con “quái vật” hung hãn, dập đầu này mọc lại đầu kia. Hàng ngàn người tại ngọn núi Hồng Lĩnh phải rất vất vả để dập được đám lửa dai dẳng. Nhớ lại trưa hôm đó 28/6, nhận được tin báo từ một người không quen biết công tác ở UBND huyện Nghi Xuân, anh Đậu Văn Tiến gác hết công việc dang dở để vào rừng.
“Rừng Hồng Lĩnh đang cháy lớn, cần phương tiện phát quang hành lang cản lửa, nghe vậy tôi vội vàng xách máy cưa xăng lên đường ngay”, anh Tiến kể lại. Khoác lên mình bộ quần áo màu xanh quân ngũ, anh phóng xe về hướng núi Hồng Lĩnh – nơi cháy rừng đang lan nhanh.
Tức tốc chạy đến khu rừng thì đã hơn 2h chiều, đã có rất đông người đang tất bật nỗ lực dập tắt lửa. Không chần chừ anh Tiến với chiếc máy cưa nặng cả yến, lao vào những lùm cây, vạch nên đường băng cản lửa tạm thời, nghe tiếng máy của anh Tiến vọng lại, nhiều người lại càng quyết tâm sát cánh bên nhau hơn, tạm gác đi bản thân và sự mệt mỏi do phải dập lửa liên tục.
Theo sát anh là hàng chục chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng thu gom các thân cây, cành cây vừa được đốn hạ. Cứ thế họ đã nhanh chóng hình thành nên những đường băng cản lửa.
Hì hục làm trong suốt 9h đồng hồ, trong người đã thấm mệt, máy cũng đã cạn nhiên liệu anh mới chịu xuống núi để ăn vội một ổ bánh mì, phần vì cũng muốn để dành tiền mua xăng cho máy hoạt động.
Kịp nằm ngả lưng được hơn tiếng đồng hồ cho lại sức tại nhà một người quen thì nghe tin đám cháy bùng phát trở lại, anh lại bật dậy vội vã xách máy đi cứu rừng.
Tuy vất vả và nguy hiểm, nhưng anh Tiến vẫn sẵn lòng giúp đỡ mọi người một cách vô điều kiện. Điển hình như khi lãnh đạo huyện biết được nghĩa cử của anh ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng anh nhất quyết từ chối: “Cứu rừng là trách nhiệm…” rồi sau đó anh lại tiếp tục miệt mài với công việc dập lửa của mình.
Khuôn mặt sạm đen vì bụi khói, anh động viên vợ chăm sóc cho em gái mổ ruột thừa mà anh trai không có mặt. Vì cứu rừng cấp bách hơn… rồi anh lại rảo bước tiến về phía rừng có nguy cơ bùng cháy trở lại.
Thấy chồng đi hỗ trợ người dân, chị Trần Thị Phương (vợ anh Tiến) cũng động viên chồng cố gắng giúp làng xóm vượt qua hoạn nạn…
Âm thầm tiếp sức cho 15.000 người đang dập lửa cháy rừng
Không trực tiếp dập lửa như những người khác nhưng vợ chồng ông Lê Văn Hồng đã chọn cách hỗ trợ từ phía sau cho những con người can đảm ấy.
Vào giữa cái nắng oi ả trong những ngày hè ở xứ Nghệ, cũng là lúc ông vừa đi thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đồng thời trao cho gia đình bà 5 triệu đồng giúp đỡ. Được biết chị Hoa đã tử vong khi đang tiếp nước chữa cháy rừng ngày 30/6 – người phụ nữ đã hy sinh bản thân mình để cứu cánh rừng.
Mồ hôi nhễ nhại giữa cái nóng gắt gỏng, nhưng ông Hồng vẫn không ngừng tay việc tiếp tế cơm ăn cho mọi người, ông tươi cười bảo: “Tôi không đánh bóng tên tuổi gì đâu, làm vì cái tâm, vì tấm lòng tương thân tương ái giữa con người với con người mà thôi”.
Nói về cơ duyên khiến ông muốn giúp đỡ 15.000 người đang phải bận rộn với công việc cứu hỏa nơi đây. Ông Hồng kể khoảng 16h chiều 29/6, đang nằm trong phòng điều hòa mát mẻ, ông vào mạng đọc thấy tin rừng thông ở núi Hồng Lĩnh đang cháy ngùn ngụt.
Ngay lập tức, ông ngồi dậy vào Facebook cá nhân đăng status: “Có ai nấu cơm miễn phí cho các chiến sĩ công an, bộ đội đang cứu rừng thông không, hay tôi gọi vợ dậy”.
“Lúc đó tôi nghĩ mình nằm phòng lạnh mát mẻ thế này, trong khi các chiến sĩ công an, bộ đội và người dân đang lao vào dập lửa. Không trực tiếp đến dập lửa cứu rừng được, nhưng mình phải làm việc gì đó, không thể nằm trong phòng lạnh nữa”, ông Hồng kể.
Vậy là ông nhất quyết gọi vợ là bà Nguyễn Thị Minh dậy phụ ông nấu cơm. Theo ông Hồng, vợ ông rất ủng hộ việc làm này và hào hứng nghe theo. Cả 2 vợ chồng nhanh chóng đóng cửa nhà hàng rồi bắt đầu đi chợ nấu nướng, đồng thời huy động thêm 30 nhân viên nhà hàng chung tay đến phụ giúp cho mình. Đến khoảng 19h cùng ngày, mọi công việc đã hoàn tất.
Ông Hồng cùng vợ và nhân viên đi một mạch vào UBND xã Xuân Hồng rồi cùng mọi người leo lên núi tiếp những suất cơm, chai nước cho những người đang tham gia cứu rừng.
“Khi những phần cơm, chai nước đến tay từng người, cảm giác lúc đó thấy lâng lâng trong người và rất vui, dù tôi cũng đang đói lắm chứ… Đây là việc làm rất nhỏ, nhưng tôi thấy rất vui. Tôi không hề đánh bóng tên tuổi, hay có động cơ gì phía sau đó. Tôi và vợ thấy vui là cùng nhau làm thôi…”, ông Hồng cho hay.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng: “Lúc phát cơm miễn phí cho những người chữa cháy rừng, anh em rất ngạc nhiên. Thấy tất cả ăn cơm, khen ngon, tôi mừng lắm”.
Đến chiều 30/6, hành động của vợ chồng ông đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ biết đến nên đã đến để động viên, biểu dương, tặng quà. Sự động viên này khiến vợ chồng ông có thêm niềm tin về việc làm của mình.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên vợ chồng ông làm việc thiện như vậy, hàng tuần cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật, cả 2 đều đặn nấu 1.000 xuất cháo phát miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
Ông kể vợ chồng ông đã nếm trải cuộc sống khổ sở, ông từng đạp xích lô ở chợ Vinh kiếm từng đồng về nuôi con. Có cơ nghiệp như ngày hôm nay, ông không bao giờ quên và luôn nghĩ đến những hoàn cảnh khó đang cần giúp đỡ.
Đặc biệt, vào sáng (1/7), ông Hồng đã hỗ trợ cho UBND xã Nam Kim, UBND huyện Nam Đàn số tiền 25 triệu đồng để địa phương có thể bổ sung kinh phí mua các thiết bị chữa cháy rừng trong thời gian tới.
Được biết, nguyên nhân cháy rừng vào chiều 28/6 được xác minh là do anh Phan Đình Thành (SN 1973, trú xóm 7, xã Xuân Hồng) đốt rác làm bén lửa gây ra. Hiện công an huyện Nghi Xuân đã vào cuộc xác minh, tạm giữ hình sự với ông Thành để điều tra làm rõ vụ việc.
Bước đầu, đối tượng Thành khai nhận, trước đó do đốt rác trong vườn của gia đình, ngọn lửa bốc cháy lan ra cả khu vườn rồi cháy luôn khu vực rừng thông.
Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có một hố rác cách nhà ông Thành khoảng hơn chục mét.
Chúc Di (t/h)