Châu Phi đang tìm cách xây dựng một dự án mang tên ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu và sa mạc hóa, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, mỗi năm ở “Lục địa đen” có khoảng 2 triệu ha rừng bị biến mất, và đất bạc màu là nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực tại dải Sahel (khu vực ranh giới nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc với vùng đất màu mỡ hơn ở phía nam).
Nếu tình hình khô hạn tiếp tục tiếp diễn như hiện nay Liên hợp quốc dự báo sẽ có khoảng 2/3 diện tích đất canh tác ở châu Phi sẽ bị cát ở sa mạc Sahara xâm chiếm vào năm 2050.
Nhằm đối phó với tình hình ngày càng sa mạc hóa, dự án “Bức tường xanh vĩ đại” rộng khoảng 15 km và dài 8.000 km nối thủ đô Đaca của Xênêgan bên bờ Đại Tây Dương với Gibuti trên bờ Biển Ðỏ ở phía đông châu Phi đã ra đời.
Thực tế ý tưởng này đã có từ giữa thế kỷ trước, được nghĩ ra bởi nhà hoạt động kiêm nhân viên lâm nghiệp người Anh, Richard St. Barbe Baker. Tuy nhiên, mãi đến năm 2007, dự án này mới được thực hiện và bây giờ là lúc chúng ta chứng kiến những kết quả đầu tiên của sáng kiến này.
‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ đã thực hiện được 15% và đang từng bước mang lại sự sống cho các khu vực hoang vắng hơn bao giờ hết
Từ đàn ông đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em đều chung tay tham gia trồng hàng loạt cây chịu hạn. Đồng thời, họ cũng liên tục trồng các loại rau, trái cây để sử dụng. Ước tính cho thấy, chỉ hơn 10 năm từ ngày bắt đầu dự án, bức tường xanh đã hoàn thiện được khoảng 15%.
Cảnh quan khô cằn của khu vực đang được thay thế dần bởi những mảng xanh cây cối tươi tốt và phì nhiêu. Điều này cũng góp phần to lớn vào việc giảm suy thoái và sa mạc hóa cho môi trường. Vùng đất màu mỡ đang trở lại cũng đồng nghĩa cuộc sống người dân nơi đây đang dần khởi sắc.
Cụ thể cho đến nay, đã có khoảng 40 triệu ha đất hoang mạc đã được hồi sinh, cung cấp thêm 500.000 tấn ngũ cốc mỗi năm, đủ để nuôi sống 2,5 triệu người. Nếu dự án tiếp tục phát triển với tốc độ đó, nó sẽ cung cấp một huyết mạch cho một số khu vực nghèo nhất ở châu Phi, mang lại sự sống cho sa mạc.
Ngoài ra ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ còn dự kiến sẽ mở rộng tới 1.927.421.975 tỷ mẫu Anh và là nơi sinh sống cho 232 triệu người. Việc xây dựng ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ không chỉ mang lại sự sống cho nhiều khu vực hoang vắng ở Châu Phi mà còn giúp phát triển nền kinh tế của 11 quốc gia mà bức tường đi qua.
Thông qua sáng kiến Công việc Xanh, hiện tại đã có hàng ngàn người trực tiếp tham gia trồng cây và góp mặt vào dự án này. Đây là một dự án dài hạn, chắc chắn sẽ phải mất hơn một thập kỷ để hoàn thành, do đó cũng sẽ bảo hộ công ăn việc làm cho những người làm việc trong dự án này, làm giảm tỷ lệ di cư ở Châu Phi.
Được biết, sau khi hoàn thành ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực trên lục địa châu Phi như:
- Giải quyết vấn đề sa mạc hóa, suy thoái đất đai và hạn hán.
- Phục hồi khoảng 8.687 dặm vuông đất thoái hóa ở các vùng khô, phục vụ cho nông nghiệp.
- Tạo ra các hệ sinh thái bền vững hơn tại các khu vực Sahara và Sahel thông qua các tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, thảm thực vật và động vật.
- Tách riêng 250 triệu tấn carbon chống lại biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí một cách hiệu quả.
- Cải thiện mạnh mẽ điều kiện sống bằng cách tạo ra 10 triệu việc làm ở các vùng nghèo.
- Đảm bảo lương thực cho 20 triệu người bị đói mỗi năm.
‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ dự kiến hoàn thành vào năm 2030 với mục tiêu khôi phục lại 247.105.381 mẫu đất hiện đang bỏ hoang. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi năm cần khôi phục 10 triệu ha. Và sau khi hoàn thành, ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ sẽ trở thành công trình mang sự sống lớn nhất trên hành tinh đồng thời xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mới.
Với diện tích lớn gấp 3 lần Rạn san hô Great Barrier, ‘Bức Tường Xanh Vĩ Đại’ được định sẵn để trở thành kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Thanh Thiên (t/h)