Không tiếc thời gian, công sức, và chịu nhiều điều tiếng, chàng trai Nguyễn Văn Sơn và các bạn trong nhóm của mình đã âm thầm đi gom nhặt những hài nhi mà người ta nhẫn tâm vứt bỏ trong thùng rác mang về chôn cất.
Tạo hóa cho con người quyền sống và khi chết đi được yên nghỉ theo những cách tôn kính nhất. Thế nhưng, với những hài nhi bị tước quyền sống ngay từ trong bụng mẹ thì còn có số phận không thể phũ phàng hơn.
Nhiều người đặt câu hỏi, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân thì sau khi tước bỏ quyền sống, cả ngàn hài nhi ấy sẽ được chuyển đi đâu, an táng thế nào?
Một sự thật kinh hoàng rằng, phần lớn những hài nhi đó được người ta chuyển thẳng vào… bãi rác.
Số phận đã không cho những hài nhi ấy được thành người, chúng phải chết ngay từ trong bụng mẹ hoặc khi mới lọt lòng. Đau đớn hơn, nơi an nghỉ cuối cùng của chúng lại là… bãi rác.
Theo sự thúc giục của lương tri, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sơn đã không tiếc thời gian, công sức, và chịu nhiều điều tiếng để đi gom nhặt những hài nhi mà người ta nhẫn tâm vứt bỏ trong thùng rác mang về chôn cất.
Trung bình mỗi tuần, nhóm của Nguyễn Văn Sơn lượm nhặt được chừng 300- 400 hài nhi. Đa phần sinh linh bé nhỏ ấy được mọi người tìm thấy trong rác bẩn.
Chấp nhận cưới mẹ để bảo vệ… con của người ta
Ngày ở Vinh, hễ nghe tin bạn nữ nào trót dại, lỡ mang bầu mà đang có ý định phá bỏ thì bằng nhiều cách, Sơn tìm đến để động viên, an ủi rồi khuyên cô gái ấy giữ lại giọt máu của mình.
Chính bởi nghĩa cử này mà Sơn suýt thành chồng của một cô gái mà cậu không hề có tình yêu.
Cô gái ấy bởi tin lời đường mật của bạn trai nên đã hiến dâng tất cả. Biết cô có bầu, gã trai kia đã quất ngựa truy phong. Đau đớn, cô gái ấy đã định cứu vớt đời mình bằng cách giải quyết cái thai đã lùm lùm trong bụng.
Hay tin, Sơn vội vàng tìm đến nơi cô ta ở trọ. Sau một hồi thuyết phục không thành, Sơn bảo, nếu em sợ không lấy được chồng thì anh sẽ lấy, con em cứ đẻ ra để anh nuôi.
Mấy ngày đầu, cô gái đó cũng chẳng tin nhưng thấy Sơn nhiệt tình chăm sóc, nâng niu thì đã tin lời Sơn nói.
Sơn chăm người phụ nữ mang bầu này hệt như người chồng hiếm muộn chăm vợ. Để cô gái yên tâm sinh nở, Sơn dẫn cô ta về nhà mình ra mắt. Bố mẹ Sơn ban đầu đã phản đối dữ dội. Tuy nhiên, biết tính con, ông bà cũng đành chấp nhận cảnh đất phải chịu giời.
Khi bé trai kháu khỉnh của cô gái chào đời, giữ lời, Sơn rục rịch chuẩn bị mọi thứ cho chuyện trăm năm.
“Thương cô ấy một thì thương đứa bé mười nên em mới liều thế chứ. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị cưới thì cũng thấy lo lo”, Sơn kể.
Điều Sơn lo lắng là không thể đem hạnh phúc thật sự đến cho cô gái đã đau khổ vì lỡ dở ấy bởi giữa hai người chưa bao giờ tồn tại tình yêu.
Thấy Sơn thỉnh thoảng ngồi trầm tư một mình, cô gái ấy đã hiểu ra vấn đề. Một buổi, khi Sơn đi làm, cô ấy đã gói ghém hành lý rồi bồng con ra đi.
Trong lá thư chia tay, cô gái ấy bảo, Sơn là ân nhân của đời cô và cả đời con cô nữa. Nếu không có sự cưu mang của Sơn thì con cô chẳng thể tồn tại trên cõi đời này.
Sơn bảo, sau này, khi kể chuyện của cô gái đó cho một người bạn nghe, anh này đã vô cùng xúc động. Như duyên số sắp đặt, sau một thời gian qua lại thì người bạn này đã cùng cô gái kia thành vợ thành chồng.
Trộm hài nhi – “nghề” nguy hiểm
Công ty nơi Sơn làm việc chuyển ra khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) chừng hơn 2 năm trước.
Sơn bảo, ra khu công nghiệp này, sau khi ổn định chốn ở, chỗ làm thì việc đầu tiên mà Sơn làm đó là đi “khảo sát” tình hình… nạo phá thai.
Vậy là như lần mới chân ướt chân ráo xuống Vinh, cứ sau ca làm việc thì Sơn lại lọ mọ đến các bãi rác để lượm nhặt hài nhi. Thấy làm việc một mình thì… quá tải, Sơn đã tìm đến những công nhân đồng hương để họ trợ giúp.
Sơn tìm cộng sự là những cô gái hiền lành bởi ý nghĩ phụ nữ thì sẵn có tình mẫu tử dù chưa một lần làm mẹ.
Nghe Sơn trình bày ý định của mình, ban đầu những cô gái ấy đều giãy nảy. Thân con gái, đi ra ngoài tối còn giật mình thon thót huống chi đối diện với những sinh linh tội nghiệp mà đa phần thân thể chẳng còn vẹn nguyên.
Nhưng rồi kiên trì vận động, hiểu được việc làm cao cả của Sơn, nhiều bạn trẻ đã gật đầu ưng thuận.
Có được những cộng sự, Sơn bắt đầu triển khai kế hoạch của mình. Các bạn gái được Sơn phân công đến bệnh viện, đến các phòng khám tư để vận động xin những hài nhi mà người ta vừa phá bỏ.
“Có nơi thì sau vài lần vận động thì họ nghe ra, họ đồng ý cho mình. Nhưng cũng có nơi nói thế nào họ cũng không chịu, thậm chí đuổi thẳng cổ”, Sơn kể.
Với những nơi không xin được thì Sơn và mọi người quyết định đánh cắp. Cứ khi đêm xuống, khi phòng khám đó đóng cửa đi ngủ thì các thành viên trong nhóm của Sơn tìm đến.
Nơi nào phòng khám đó vứt rác thải thì nơi đó có hài nhi, kinh nghiệm của Sơn đã chỉ ra điều đó.
Nhóm của Sơn giờ có hơn chục người. Mỗi người được giao “phụ trách” một phòng khám. Và, chẳng ai bảo ai, cứ quá 12 giờ đêm thì lặng lẽ lấy xe máy lên đường “thực thi nhiệm vụ”.
Phi xe đến mục tiêu, vội vàng tấp vào tìm kiếm nếu thấy, hoặc không thấy thứ mình cần tìm thì cũng phải nhanh chóng lên xe dời khỏi hiện trường. Sở dĩ mọi người phải “tác nghiệp” thật nhanh bởi sự chủ nhà phát hiện.
“Nếu họ phát hiện ra thì ngay lập tức lần sau họ sẽ vứt hài nhi ở chỗ khác. Như vậy thì lại mất công theo dõi, lần tìm”, Sơn bảo.
Theo lời một thành viên trong nhóm của Sơn thì công việc của họ còn hơn cả “nghề nguy hiểm”.
“Đêm hôm khuya khoắt lại ôm khư khư bọc “chiến lợi phẩm” thì ai chẳng nghĩ mình là kẻ xấu. Để người ta bắt được thì sẽ no đòn”, thành viên này chia sẻ.
Chiếc tủ lạnh chứa linh hồn và những “mùa” phá thai đau đớn
Chừng 1-2 giờ đêm thì “nhóm đạo chích” của Sơn trở về “đại bản doanh”. Lúc này, họ mới kiểm tra kỹ lưỡng những thứ mà mình lượm được.
Những cô gái vẻ ngoài rụt rè nhút nhát nhưng khi vào việc thì bạo dạn vô cùng. Các cô phân loại những rác bẩn bám theo thi thể hài nhi rồi làm vệ sinh cho những sinh linh tội nghiệp đó.
Khi vệ sinh xong cho các bé, Sơn đặt chúng trước ban thờ rồi thắp nến cầu nguyện. Xong đâu đó thì đặt các bé vào tủ lạnh để bảo quản, tránh côn trùng xâm nhập.
Cuối tuần hoặc khi tủ lạnh đã đầy thì Sơn cùng mọi người vượt mấy chục cây số đưa các bé đến an táng tại một nghĩa trang ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Sơn bảo, bất cứ đêm nào Sơn và mọi người cũng rơi lệ bởi các hài nhi mà mình tìm được. Có đêm, nhóm kiếm được cả trăm em. Có em đã rõ cả chân tay, mặt mũi.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, công việc của Sơn và các cộng sự cũng có mùa bận rộn. Sơn gọi là mùa bởi những khi ấy, hài nhi bị ném vào thùng rác nhiều hơn.
Theo đó, cứ Trung thu, Valentine, ngày 8/3 qua đi độ hơn tháng thì mọi người tất bật bởi có vô số những hài nhi phải rời xa bụng mẹ.
“Trung thu là tết thiếu nhi, mà sao người lớn cứ đi chơi nhiều, chơi nhiều rồi lại làm liều…” , Sơn đọc lại bài đồng dao bằng giọng buồn buồn.
Theo Sơn thì những hài nhi xấu số trên đa phần là của công nhân. Sơn khẳng định điều đó là bởi cứ đến cuối tháng, khi các doanh nghiệp đồng loạt trả lương thì lượng hài nhi mà nhóm Sơn tìm được tăng đột biến.
“Công nhân đa phần là nghèo, chỉ khi có tiền thì họ mới dám đi phá thai thôi”, Sơn chua chát.
Bao giờ trong rác hết… người!?
Là công nhân kỹ thuật nên lương của Sơn khá cao. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, Sơn đã phải nghỉ làm. Sơn bảo, trước đây, biết việc Sơn đang làm, anh em trong công ty đã tạo điều kiện để Sơn “trốn việc” mỗi khi có ai đó báo ở chỗ này, chỗ kia có hài nhi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, bởi lượng việc nhiều nên Sơn không còn được ưu ái nữa.
“Cũng đã mấy lần em định từ bỏ việc đi tìm hài nhi để tập trung vào công việc nhưng không được. Nói thật, cứ khi em có ý định đó thì đêm không tài nào ngủ được”, Sơn thật thà chia sẻ.
Sơn bảo, Sơn đang tổ chức lại bộ máy hoạt động của nhóm và một vài tháng nữa, khi tất cả mọi thứ đã đi vào ổn định thì cậu lại tiếp tục tìm việc làm.
Theo Sơn thì công việc của em có thể chậm vài tháng, thậm chí vài năm. Nhưng việc đón các sinh linh tội nghiệp kia thì không thể chậm trễ một phút, một giây. Nằm lẫn trong rác những sinh linh tội nghiệp dễ thành mồi cho chó, mèo hoang dại.
Ở Bắc Ninh, nhiều lần Sơn đã phải đóng vai ông bố bất đắc dĩ. Căn nhà, nơi Sơn và mọi người ở nhiều khi là nơi nương thân của các bà bầu vì tình mà ôm hận. Tới đây, họ được Sơn và mọi người chăm sóc, chờ cái thai trong bụng khai hoa nở nhụy.
Khi những bà bầu ấy lâm bồn, Sơn lại lóc cóc đưa họ đến bệnh viện. “Năm vừa rồi, em dính luôn phải hai bà đẻ mổ. Khổ, tốn cả mấy chục triệu bạc. Có lần thì em phải cắm xe mới có tiền viện phí”, Sơn kể.
Sơn bảo, đêm nào đi trộm hài nhi, Sơn cũng cố gắng bới tìm thật kỹ để không bỏ sót em nào. Muốn làm tròn bổn phận của lương tri với các sinh linh bé nhỏ nhưng Sơn luôn ước mình và các thành viên trong nhóm phải về tay không sau đêm “tác nghiệp”.
“Buồn là chuyện ấy vẫn không xảy ra. Đêm nào cũng thấy các bé nằm trong đống rác”, Sơn rầu rĩ.
(Ghi chú: Tên nhân vật trong bài đã được đổi theo yêu cầu)
Theo afamily.vn