Chia sẻ những mô hình nhà bằng tăm độc đáo trên mạng xã hội, chàng trai 9X Tạ Tuấn Anh khiến không ít người trầm trồ, khen ngợi. Mô hình của anh đã thu hút hơn 7.000 lượt thích từ cư dân mạng.
Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội chàng trai Tạ Tuấn Anh có chia sẻ những bức ảnh về mô hình nhà bằng tăm do chính tay mình tạo ra. Kèm theo đó là những dòng mô tả:
“Có thể nói đây là cả tuổi thơ của mình. Lần đầu biết đến nó khi VTV3 còn chương trình “Những chuyện lạ Việt Nam”, khoảng năm 2003, 2004 khi đó mình đang học lớp 3. Trên ti vi mình thấy có một bác làm mô hình nhà bằng tăm, mình thích luôn và bắt đầu từ lớp 5 bắt đầu làm cái đầu tiên…”.
Những mô hình nhà bằng tăm của chàng trai 9X này nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng. Hầu hết đều dành cho chàng trai này sự ngưỡng mộ và những lời khen “con trai mà khéo tay quá”.
Lúc đầu, Tuấn không tiền mua tăm quế nhọn nên phải bóc miếng gỗ ép, tước mỏng rồi làm. Có khi anh đi chặt tre rồi chẻ, mài. Anh còn tận dụng kéo cắt vải của mẹ.
Tuấn Anh tiết lộ thêm về một số kỷ niệm đáng nhớ với mô hình nhà bằng tăm của mình: “Năm lớp 10 trường tôi có cắm trại, khi đó tôi làm một cái biệt thự bằng tăm khiến ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn, điều này làm tôi cảm thấy rất vui và thích thú. Chưa hết, những dịp mùng 8/3 hay sinh nhật là bạn bè lại nhờ làm hộ để tặng bạn gái, người yêu, vì thế nhiều người bạn của tôi bây giờ vẫn thường trêu “nhờ bạn mà ngày xưa sinh nhật hay ngày lễ mình đỡ tốn tiền mua quà””.
Tuấn Anh bật mí, cả gia đình gồm bố mẹ và anh trai cậu cũng rất khéo tay nên cậu được thừa hưởng “gen” từ họ.
Cơ duyên mà chàng trai 9X này đến với thú làm mô hình từ những que tăm nhỏ xíu là hồi lớp 3. “Nhưng phải đến cuối năm lớp 5 tôi mới bắt đầu làm mô hình nhà bằng tăm đầu tiên. Ngày bắt tay vào làm tôi phải giấu bố mẹ, thế rồi cũng có ngày mẹ phát hiện ra và mắng tôi một trận vì không muốn tôi ảnh hưởng đến việc học”, Tuấn Anh bộc bạch.
Lười học nên mấy tháng ôn thi đại học, mình toàn ngồi nhà đóng kín cửa để làm mô hình, rồi trượt đại học. Nhưng mình vẫn giữ niềm đam mê kiến trúc cháy bỏng.
Lúc đi lính, nhờ khéo tay, mình được các sếp để ý. Khi ra quân, mình đi học nghề. Tuy nhiên, làm mô hình bằng tăm vẫn là nghề tay trái giúp mình kiếm thêm thu nhập, có tiền đổ xăng xe, mua quần áo”, Tuấn kể.
Anh nói thêm, ngày trước tập tành làm thường chỉ làm trong thời gian rảnh là buổi tối hay trưa, nên mất khoảng 1 – 2 tuần để thực hiện một sản phẩm. Bây giờ anh chỉ cần 3 – 4 ngày. Mỗi sân bóng tuỳ loại to nhỏ hết khoảng 5 – 10 hộp tăm, và 2 – 3 hộp keo dán sắt.
“Cái nào lúc mới làm đều khó. Mình phải tìm hiểu, thử nhiều lần. Nhất là những chi tiết nhỏ hay các chi tiết mà ảnh chụp mờ, khuất, phải càng thực hiện tỉ mỉ hơn”, Tuấn cho hay.
Anh sợ nhất là mua phải keo loại không tốt vì không dính được tăm. Khi làm, tăm đâm, dao cắt trúng tay là chuyện bình thường. Có lần, do tay dính nhiều keo quá bóc ra mất vân tay, Tuấn đi làm lại chứng minh nhân dân mà không làm được.
Trước khi làm sân bóng, Tuấn bắt đầu với việc làm nhà cửa bằng tăm. Anh còn làm cả hoa và móc khoá.
Anh cho hay: “Mình cũng nghĩ không bao giờ làm được sân bóng, vì không thuộc tên cầu thủ, tên sân. Gần đến sinh nhật đứa bạn thân hâm mộ Arsenal, nó thủ thỉ bảo mình làm tặng nó cái sân. Thế là mình làm thử.
Sau đó, một đứa khác khoái Manchester United, bảo mình làm sân của đội này. Mình cũng thử. Hai đứa ấy tạo nguồn cảm hứng cho mình làm sân bóng. Sau này mình nghĩ làm thử hoa bằng tăm xem được không, cũng may là không xấu quá”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tuấn Anh cho hay cậu đã có khoảng vài trăm mô hình bằng tăm lớn nhỏ. Những sản phẩm cậu làm ra không bán mà chỉ nhằm mục đích trưng bày trong nhà cũng như dành tặng bạn bè.
Nhiều người hỏi mua các sản phẩm của Tuấn, nhưng anh sắp đi học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động, nên muốn dành thời gian để tập trung học. Thế nhưng, anh vẫn mong muốn kết bạn với người có chung niềm đam mê làm tăm giống mình.
Chúc Di (t/h)