Xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, mang dép, xách một chiếc túi nhỏ và đi khất thực, không ai nghĩ rằng nhà sư Ajahn Siripanno lại là con trai độc nhất của tỷ phú Malaysia. Chẳng màng tới khối tài sản khổng lồ của bố, người con trai đã quyết định lựa chọn con đường tu hành và chưa từng hối hận vì điều đó.
Năm 2008, trên trang nhất của nhiều tờ báo đã đăng bài viết kể rằng, khi một phóng viên và bạn mình đang ngồi ăn tối trong nhà hàng thì thấy một người đàn ông đứng ngoài hành lang của khách sạn. Họ nghĩ ông ấy đến một mình nên quyết định mời ông cùng ăn tối, nhưng ông từ chối không ăn và nói rằng ông đang phải đi luôn.
Buổi sáng hôm sau, họ lại gặp người đàn ông ấy ở đại sảnh khách sạn và để ý là ông ta cũng vẫn mặc bộ quần áo hôm qua. Ông xin lỗi nhà báo và quay sang nhìn nhà sư trẻ tuổi đang ngồi cạnh đó, nói một cách trìu mến: “Con ơi, đã đến giờ chúng ta phải đi về nhà rồi”. Người con trai vâng lời, xách cái túi vải nhỏ để ở dưới sàn nhà lên rồi đi theo cha.
Trước đó, vì tò mò khi thấy sự hiện diện của một nhà sư tại khách sạn Uma, thành phố Paro, nên nhà báo đã đến trò chuyện với sư ấy. Sư độ chừng ba mươi tuổi, tóc cạo ngắn, mặc áo tăng nhân và mang dép.
Nhà sư cho biết: “Hôm qua là sinh nhật lần thứ 70 của cha tôi và ông muốn cùng tôi đến một nơi thật đặc biệt”.
Người đàn ông lớn tuổi chính là tỷ phú Malaysia, ông Ananda Krishnan và nhà sư trẻ là người con trai độc nhất của ông. Cả hai đã đáp chiếc máy bay phản lực riêng đến Paro của nước Bhutan để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nhà tỷ phú.
Xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, mang dép và xách một chiếc túi nhỏ, di chuyển bằng máy bay phản lực riêng của cha và nghỉ ngơi tại một khách sạn trang trọng ở Ý. Đó là hình ảnh nhà sư Ajahn Siripanno được nhiều người biết đến sau lần tham dự buổi tiệc sinh nhật lần thứ 70 của người cha tỷ phú.
Tỷ phú T. Ananda Krishnan là một trong những doanh nhân thành đạt và tên tuổi trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như truyền thông, dầu khí, viễn thông, bất động sản, giải trí…
Khối tài sản của ông được ước tính lên tới 10 tỷ USD vào tháng 8/2015. Là tỷ phú giàu thứ 2 Asean, ông Ananda Krishnan cũng là chủ tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur. Mặc dù vậy, ông lại là người rất kín tiếng và sống không khoa trương.
Năm 1989, Ajahn Siripanno (18 tuổi) – con trai duy nhất của tỷ phú Malaysia – đã tham dự một khóa tu hành ngắn hạn nhằm bày tỏ sự biết ơn và lòng kính trọng đối với người mẹ và gia đình của mình khi trở về quê mẹ ở Thái Lan.
Sau nhiều năm sinh sống và học tập tại Anh, đây là lần đầu tiên Ajahn Siripanno được tiếp xúc với Phật giáo. Với tư tưởng cởi mở tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Ajahn Siripanno đã tìm thấy niềm vui và sự thanh thản trong khoảng thời gian tu hành ngắn ngủi tại Thái Lan.
Khoảng thời gian ngắn ngủi đó đã hoàn toàn làm Ajahn thay đổi suy nghĩ về Đạo phật và cuộc sống của các vị tu sĩ, cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên trẻ Siripanno.
Khoảng hơn 10 năm trước, tỷ phú Ananda Krishnan bỗng dưng mất liên lạc nên khởi sự đi tìm con.
Tại một ngôi chùa ở miền Bắc Thái Lan, ông sững sờ khi nhìn thấy con mình bận áo vàng với bình bát trong tay. Khi ông đến để mời con mình cùng đi ăn thì anh ấy đáp: “Con xin lỗi, con không thể nhận lời mời của cha được. Giống như các bạn đồng tu, con phải đi khất thực mà ăn”.
Quá bất ngờ trước lời từ chối của con trai, tỷ phú T. Ananda Krishnan chia sẻ: “Với tất cả tài sản trong sự nghiệp của mình, tôi vẫn không thể mời được con trai một bữa cơm”.
Vài năm trước, trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara, Malaysia, nhà sư cho biết ông chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà sư cho tới khi ông được đến thăm và trò chuyện với Thiền sư Ajahn Chah – một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên và duy nhất đó, tư tưởng của Ajahn Siripanno đã thay đổi và ông quyết tâm lựa chọn con đường riêng cho bản thân, làm một người tu hành.
Hiện nay, nhà sư Ajahn Siripanno đã trở thành trụ trì của Tu viện Dhao Dham tại Khu bảo tồn rừng quốc gia gần biên giới Thái Lan và Myanmar. Ông cũng là một trong những nhà tu hành uyên bác nổi tiếng trong Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên Thủy) tại Thái Lan.
Nhà sư Ajahn Siripanno cũng chia sẻ, ông chưa từng hối hận hay nuối tiếc về sự lựa chọn trong cuộc đời mình.
Hiện tại, tỷ phú T. Ananda Krishnan và nhà sư Ajahn Siripanno vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Tuy rất bận rộn vì công việc nhưng tỷ phú Ananda vẫn bỏ chút thời giờ để thỉnh thoảng đi thăm con trai, còn nhà sư cũng dành thời gian để trò chuyện cùng cha tại Thiền viện.
Câu chuyện xuất gia của nhà sư Ajahn Siripanno là ví dụ điển hình cho việc tiền tài và vật chất không phải là cái đích đến cuối cùng trong cuộc sống. Nhà sư Ajahn Siripanno đã bỏ lại tất cả khối tài sản khổng lồ của người cha tỷ phú để tìm kiếm sự bình an trong cõi tu hành. Chính sự buông bỏ mới là một tài sản lớn hơn và sự tu hành là tài sản lớn nhất trong cuộc đời chúng ta.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Dù cho dân số năm tỷ người hiện đang sống trên Trái đất này trở thành triệu phú hết, nhưng thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài”.
Tiền của là vật ngoại thân, học cách buông bỏ mới có thể tìm kiếm những giá trị đích thực trong cuộc sống và sự yên bình trong tâm hồn của mỗi người.
Bảo An tổng hợp
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa