Sau H&M, nhiều thương hiệu thời trang lớn thế giới đồng loạt bị phát hiện đăng bản bản đồ Trung Quốc có ‘hình lưỡi bò’ lên trang web tiếng Trung.
Theo Thanh Niên, nhiều hãng thời trang đình đám thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… mới đây đã công khai đăng bản đồ in ‘hình lưỡi bò’ phi pháp lên trang web của mình.
Cụ thể, trên website phiên bản tiếng Trung của các hãng này, người dùng sẽ thấy bản đồ vị trí cửa hàng ở đầu trang. Khi di chuyển bản đồ đến khu vực châu Á, người xem dễ dàng thấy hình ảnh “đường lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Đông, gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việc đăng tải bản đồ in ‘đường lưỡi bò’ này đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Hành động trên của hàng loạt ‘ông lớn’ thời trang đã khiến nhiều người vô cùng thất vọng khi sẵn sàng vì lợi ích tại đất nước tỷ dân mà xem nhẹ chủ quyền lãnh thổ các nước khác ở Biển Đông.
Được biết trước khi các hãng thời trang lớn trên bị phát hiện đăng bản đồ in ‘đường lưỡi bò’, vào tối 2/4 hãng H&M cũng trở thành tâm điểm khi có hành động tương tự.
Cụ thể, sau khi chính quyền Trung Quốc phát hiện website của H&M (hm.com) đăng bản đồ nước này nhưng không có đường lưỡi bò, chính quyền Thượng Hải đã yêu cầu phía H&M sửa lại bản đồ. Ít giờ sau, H&M đã chấp nhận làm theo đề nghị này.
Hành động của H&M sau đó nhanh chóng làm dấy lên làn sóng bức xúc trên cộng đồng mạng và người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều người chỉ trích bản đồ Trung Quốc chứa đường lưỡi bò là bất hợp pháp, không được thế giới công nhận. Làn sóng tẩy chay H&M cũng nhanh chóng lan rộng trên khắp mạng xã hội Việt Nam.
Theo AP, Trung Quốc thường yêu cầu các công ty kinh doanh tại nước này hiển thị trên bản đồ các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có “đường lưỡi bò”.
“Đường lưỡi bò” hay đường chín đoạn là yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.
Bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên theo đuổi yêu sách sai trái này.
Thùy Linh (t/h)