(Bảo vệ người tiêu dùng) – Sở dĩ ông Nguyễn Ngọc Anh không được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ vì ông Anh là chủ quán chứ không phải…người tiêu dùng.
Thêm Dr Thanh có ruồi, lông: Tân Hiệp Phát quyết giữ bài
Theo đó bà Trang khẳng định: hội đã không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị (P.Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), về việc khiếu nại sản phẩm kém chất lượng của Công ty Tân Hiệp Phát. Lý do được bà Trang đưa ra là vì: “Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định đối tượng được bảo vệ là người mua sản phẩm và tiêu dùng trực tiếp, còn trường hợp của ông Anh là chủ quán, mua để bán lại cho khách nên không đúng đối tượng” . Trước đó ngày 5/3, ông Anh đã có đơn gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phản ánh: ngày 22-2 (mùng 4 Tết Ất Mùi), thực khách trong hai bàn ăn của quán ông phát hiện các chai trà thảo mộc nhãn hiệu Dr Thanh có mùi lạ, cho rằng quán bán hàng giả, kém chất lượng. Ngay sau đó ông Anh cho kiểm tra toàn bộ số chai trà Dr Thanh mà ông mua của một đại lý tại TP Cam Ranh về bán cho khách thì thấy có sáu chai trà không bình thường. Cụ thể: một chai có hai con ruồi, một con vật nhỏ chưa rõ là gì; một chai có một cọng lông; một chai có dị vật như rong, cỏ; một chai có màu xanh thẫm và hai chai có vật lạ. Toàn bộ số chai trà Dr Thanh này được sản xuất trong hai thời điểm: 15-5-2014 và 27-12-2014, hạn sử dụng của các chai trà là một năm, toàn bộ số chai Dr Thanh đều còn nguyên vẹn, chưa tháo nắp và nhãn hiệu. Theo bà Nguyễn Thị Trang, hiện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa đã chuyển đơn của ông Nguyễn Ngọc Anh đến ba chi cục Quản lý thị trường, Tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi hướng dẫn ông Anh trước mắt phải làm việc với Tân Hiệp Phát để thỏa thuận giải quyết, nếu không thành thì ông có quyền đề nghị ba chi cục này xem xét, xử lý theo quy định” – bà Trang cho hay.
Như vậy, gần đây liên tiếp vụ việc phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát có dị vật lạ như ruồi, cọng lông, cặn… Trước đó nhiều vụ việc đã được Người tiêu dùng tự thỏa thuận với công ty Tân Hiệp Phát. Điển hình như trường hợp của một khách hàng tên Tuấn khi phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát không đạt chất lượng, khách hàng này đã có phản ánh và thỏa thuận ngầm với công ty. Dù đồng ý với thỏa thuận này của anh Tuấn và hai bên đã ký vào bản cam kết để mua sự im lặng nhưng mặt khác Tân Hiệp Phát đã trình báo với cơ quan công an. Theo đó biên bản giao nhận tiền có nội dung: anh Tuấn nhận 50 triệu đồng, trả lại cho công ty chai nước có con gián. Anh Tuấn cam kết không công bố chuyện này cho người khác biết, công ty cũng không làm khó dễ anh Tuấn. Sau cuộc giao nhận, ghi biên bản, ký tên thì công an bắt anh Tuấn, thu giữ luôn biên bản này. Đến ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Một vài vụ việc tương tự cũng đã xảy ra nên giới chuyên môn khuyên rằng người tiêu dùng không nên tự 'đưa mình vào tròng' mà cần có sự can thiệp của pháp luật. Như vậy với trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Anh, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: nếu xác định ông Anh không phải là đối tượng để được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa bảo vệ, ông có thể khởi kiện dân sự đối với Tân Hiệp Phát.
Phương Nguyên |
Theo Báo Đất Việt