Tinh Hoa

Cha mẹ quá nghiêm khắc có thể khiến con nói dối nhiều hơn

Dạy bảo con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên phương pháp dạy dỗ quá nghiêm khắc, “độc tài” sẽ khiến đứa trẻ có xu hướng nói dối nhiều hơn.

(Ảnh: Internet)

Theo nghiên cứu của Victoria Talwar, một chuyên gia nghiên cứu về phát triển nhận thức của trẻ em ở Đại học McGill, nếu trẻ em được nuôi dưỡng theo hướng nghiêm khắc, chúng sẽ phát triển tính cách theo kiểu nói dối để tìm cách che đậy, lấp liếm những khiếm khuyết, lỗi lầm mà chúng gây ra.

Theo đó, Talwar và các đồng nghiệp tiến hành một thử nghiệm được thiết kế để xác định xu hướng nói dối của trẻ em, phương pháp này tên là Peeping game.

Thử nghiệm tiến hành với hai nhóm trẻ em ở trường tiểu học Western Africa, với một nhóm học tập trong môi trường thoải mái, còn nhóm kia sống dưới môi trường kỷ luật nghiêm khắc. Các em học sinh sẽ được yêu cầu đoán những đối tượng gì đang gây ra tiếng ồn phía sau lưng mình, mà không được quay đầu lại nhìn xem đó là gì. Trong thử nghiệm, họ sử dụng nhiều đồ vật và tạo ra những tiếng động mà chúng ta khó có thể tưởng tượng là do nó làm ra, ví dụ một trái banh bóng chày, v.v…

Trong thời gian thử nghiệm, người giám sát sẽ rời khỏi phòng một lúc rồi quay về, sau đó họ hỏi bọn trẻ 2 câu hỏi: “Thứ gì gây ra tiếng ồn?”,“Các cháu có quay lại nhìn xem nó là gì không?”.

Ở nhóm trẻ em ở môi trường thoải mái, chúng có nói dối là không quay lại nhìn, nhưng sau đó sẽ thú nhận về hành vi này. Ngược lại, ở nhóm trẻ thuộc môi trường nghiêm khắc, chúng đã học được cách nói dối “bài bản” hơn để đánh lừa người giám sát rằng chúng thật sự không quay đầu lại.

Như vậy, việc lo lắng bị rầy la, bị trừng phạt dần dần khiến trẻ em có xu hướng nói dối và nói dối ngày càng giỏi hơn để lấp liếm, che đậy lỗi lầm là chúng gây ra, hòng qua mặt người lớn.

Nghiên cứu cũng cho thấy có những mối liên hệ giữa khả năng nhận thức của đứa trẻ với khả năng sử dụng các câu nói dối của chúng để đánh lừa người khác. Rõ ràng đó không chỉ đơn giản là một kiểu suy nghĩ bộc phát, mà được hình thành và ghi nhớ, có “rèn luyện” để khả năng nói dối ngày một “tốt hơn”, đáng tin cậy với người nghe hơn.

Dựa trên các thống kê về phát triển khả năng nói dối của trẻ em, Victoria Talwar và các đồng nghiệp cho rằng khi lên 2 tuổi và bắt đầu học nói, trẻ đã có thể biết dùng lời nói dối “sơ cấp”. Những lời nói dối sơ cấp đó có thể là để che giấu việc làm “sai trái” của chúng, ví dụ làm bể đồ đạc hoặc mất đồ chơi, những lời nói này không mang xu hướng nhằm thoát khỏi sự “truy tội” của cha mẹ, và thường sẽ không có tính thuyết phục.

Lên 4 tuổi, những lời nói dối “thứ cấp” xuất hiện. Lời nói dối lúc này mang tính “cá nhân hóa” hơn, trẻ có thể đánh giá được hành vi, suy nghĩ và mức độ trừng phạt mà người lớn đưa ra, để có thể điều chỉnh lời nói dối cho có tính thuyết phục hơn.

Lời nói dối “cao cấp” sẽ xuất hiện khi trẻ được 7- 8 tuổi, lúc này chúng đã có thể bịa ra một câu chuyện đủ sức thuyết phục, có thể đánh lừa được người lớn tin tưởng lời nói của chúng.

Nghiên cứu cũng cho rằng nếu con bạn nói dối, thì chúng có xu hướng thông minh hơn những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Đây là một dạng phát triển trí tuệ thiên về cảm xúc, một khía cạnh sử dụng ngôn ngữ và cơ thể để đạt được điều mong muốn. Lớn lên, có thể chúng sẽ thông minh và thành công hơn, bởi khả năng tưởng tượng và sáng tạo tốt hơn. Tuy nhiên, sự thành công khi trưởng thành chỉ đạt được trong trường hợp trẻ được định hướng đúng đắn và kịp thời.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần giáo dục con trẻ một cách lý trí. Không phải lúc nào các hình thức nghiêm khắc cũng luôn tỏ ra hữu hiệu, vì chúng có thể khiến cho trẻ có tâm lý sợ hãi mà nói dối. Hãy tạo cho trẻ một môi trường tâm lý thoải mái, hướng trẻ đến giá trị của sự chân thật.

Theo tinhte